Hạt nhân lan tỏa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 31/08/2019
Chất thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần, đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ cho môi trường sống của con người. Thêm nữa, sử dụng những sản phẩm này còn gây lãng phí rất lớn. Một con số thuyết phục được cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nêu ra là việc không sử dụng nước uống đóng chai nhựa tiết kiệm đến 50% kinh phí phục vụ nước uống trong các cuộc họp.
Điều đó cho thấy, việc mỗi cơ quan, đơn vị và người dân cùng hành động để hạn chế, tiến tới giảm thiểu chất thải nhựa là vô cùng cần thiết.
Nhận thức rõ điều đó, từ nhiều năm qua, người dân và không ít cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã có các hình thức khác nhau để hạn chế chất thải nhựa. Cụ thể như sử dụng cốc sứ, cốc thủy tinh, chai thủy tinh đựng nước cho đại biểu trong các cuộc họp; đông đảo các tầng lớp nhân dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hằng ngày...
Điển hình có thể kể đến Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đang thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" với những phần việc thiết thực như phát chai thủy tinh đựng nước, sử dụng làn nhựa, túi vải thân thiện với môi trường để đi chợ... cho hội viên phụ nữ sử dụng trong đời sống hằng ngày.
Để tiếp tục tạo phong trào sâu rộng trên địa bàn Thủ đô, UBND thành phố đã yêu cầu, các cơ quan, đơn vị trực thuộc giảm thiểu chất thải nhựa từ ngày 1-9-2019. Vì mục tiêu lớn, trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị của thành phố phải làm tốt việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần ngay tại cơ quan, đơn vị công tác và nơi mình sinh sống, là hạt nhân lan tỏa, làm gương cho toàn dân cùng thực hiện. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Muốn vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hiểu đây là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thường xuyên, qua đó thay đổi hành vi, từ sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần sang vật dụng thân thiện môi trường trong công việc hằng ngày ở cơ quan đến các sinh hoạt tại gia đình.
Thực tế cho thấy, từ tuyên truyền đến hành động, đôi khi vẫn là một khoảng cách lớn. Do đó, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn thành phố, trước mắt cần có các hoạt động, hình thức cụ thể triển khai phong trào chống rác thải nhựa, nhưng về lâu dài phải duy trì đều đặn nền nếp và thực hiện cho được mục tiêu thành phố đã đặt ra. Đặc biệt là phải tránh làm theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”, hô hào suông hoặc nói không đi đôi với làm…
Mỗi người cũng cần ý thức được việc làm của bản thân để dần thay đổi thói quen, vừa làm lợi cho cơ quan, đơn vị, vừa góp phần tạo dựng môi trường sống, làm việc trong lành, văn minh. Trong đó, cùng với việc tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, mỗi người cần hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn để phục vụ việc tái chế.
Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng thành phố quan tâm đến việc có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các vật dụng thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bảo đảm thân thiện môi trường.
Việc hạn chế chất thải nhựa trong các công sở và đời sống hằng ngày, bước đầu sẽ gặp khó khăn, đôi khi bất tiện vì phải thay đổi thói quen lâu nay của nhiều người. Nhưng khó cũng phải làm và yêu cầu đặt ra là làm thực chất, hiệu quả, bắt đầu từ các hạt nhân cán bộ, công sở.