NSƯT Đăng Dương: Hát về Bác lòng ta trong sáng hơn
Văn hóa - Ngày đăng : 08:15, 01/09/2019
HNMO có cuộc trò chuyện với NSƯT Đăng Dương về những cảm xúc khi thể hiện các ca khúc về Bác Hồ, cũng như những suy nghĩ của anh về sự phát triển của dòng nhạc thính phòng, cách mạng.
Người nghệ sĩ rất cần am hiểu lịch sử
- Nhớ lại lúc khởi nghiệp, điều gì khiến anh theo đuổi dòng nhạc thính phòng, cổ điển - vốn được cho là “kén” người nghe?
- Từ bé tôi đã thích âm nhạc, thích hát. Nhưng thích là một chuyện còn học âm nhạc và theo đuổi nghề hát là chuyện khác. Tôi quê ở Hải Dương, ngày nhỏ cũng bị ngọng vì ảnh hưởng của tiếng địa phương. Tôi đã dành nhiều thời gian để tự chữa ngọng. Sau này, khi thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), tôi cũng chỉ đủ điểm vào khoa nhạc cụ, và tôi chọn đàn bầu. Sau này, khi giọng hát đủ “chín”, tôi thi vào khoa Thanh nhạc và học thính phòng, cổ điển. Dòng nhạc này khó cả lúc học lẫn khi biểu diễn bởi sự “kén” người nghe, nhưng khi đã hiểu về nhạc cổ điển thì càng học càng ham mê.
- Với dòng nhạc cách mạng mà nhiều người vẫn hay gọi là “nhạc đỏ”, anh gắn bó với dòng nhạc này như thế nào?
- Ngày bé tôi hay nghe nhạc qua đài cassette các chương trình âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ca khúc về cách mạng, về Bác Hồ là những tác phẩm âm nhạc mà tôi rất thích. Tôi thường nghêu ngao hát theo đài và thuộc khá nhiều ca khúc cách mạng, về Bác. Cho đến bây giờ, mỗi lần hát những ca khúc về Bác, tôi luôn có cảm xúc tự hào, thân thuộc.
- Anh có nhớ ca khúc về Bác Hồ đầu tiên mình thể hiện?
- Những ca khúc về Bác đều được các nhạc sĩ viết bằng cả tình yêu, lòng biết ơn vô hạn và luôn chứa chan cảm xúc, vì thế ca khúc nào cũng rất hay và đi vào lòng người. Người nghe cũng cảm thấy tâm hồn mình trong sáng hơn khi nghĩ về sự vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi, giản dị của Bác. Hơn 20 năm ca hát, tôi đã biểu diễn rất nhiều ca khúc về Bác Hồ như: “Bác Hồ, một tình yêu bao la”, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”… Mỗi ca khúc là một cảm xúc rất khác nhau nhưng đều có mẫu số chung, đó là niềm kính yêu khi thể hiện những giai điệu đẹp về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Tôi không thể nhớ ca khúc về Bác đầu tiên mình thể hiện nhưng tôi nhớ ca khúc mà mình thực hiện thu âm trong album đầu tiên của sự nghiệp, đó là “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác”. Đây là ca khúc khó vì có nhiều quãng trầm bổng, phải thay đổi “tông” giọng liên tục và cần phải có sự uyển chuyển, tình cảm trong thể hiện.
- Ca khúc nào làm khó anh nhất?
- Tôi được đào tạo bài bản kỹ thuật hát thính phòng, cổ điển nên về kỹ thuật thì tôi có thể bảo đảm thể hiện được các ca khúc. Cái khó của việc thể hiện những ca khúc cách mạng cũng như các ca khúc về Bác Hồ là thể hiện phần “tình” của ca khúc. Nếu chỉ hát như một máy hát thì ca sĩ sẽ hát giống nhau, bởi thế mỗi nghệ sĩ phải tìm được bản sắc riêng trong những bài hát quen thuộc để được khán giả nhớ đến.
- Là người truyền cảm hứng cho khán giả, theo anh người nghệ sĩ cần phải chú tâm vào điều gì?
- Nhạc cách mạng là dòng nhạc của lịch sử, của khí chất người Việt Nam trong quá khứ và cả hiện tại. Người nghệ sĩ cần phải có một phông văn hóa tốt, có nền tảng kiến thức về lịch sử thì mới có thể cảm nhận được hết ca khúc mà mình thể hiện, từ đó truyền cảm hứng cho người nghe.
Khuyến khích sự “làm mới” của nghệ sĩ trẻ
- Những ca khúc thính phòng, cách mạng hiện nay được nhiều nghệ sĩ trẻ thể hiện với những đổi mới, sáng tạo nhằm đưa ra cảm nhận mới cho người nghe. Anh nghĩ sao về điều này?
- Sự đổi mới, sáng tạo những ca khúc đã quen thuộc là cần thiết, vì đó là cách để những ca khúc “đi cùng năm tháng” có thêm cách thể hiện mới, hấp dẫn công chúng thời đại mới. Tuy nhiên, việc làm mới cũng cần phải hiểu cho rõ, đó chỉ là cách làm mới về phối khí chứ không phải làm mới cách hát. Nếu ca sĩ sáng tạo cách hát cho những ca khúc đã là kinh điển thì sẽ làm biến đổi hoàn toàn ca khúc đó. Điều này sẽ mang đến sự nguy hiểm hơn là tạo sức hấp dẫn cho ca khúc.
- Không phải ca sĩ thính phòng nào cũng có đủ năng lực để hát cùng dàn nhạc giao hưởng trên sân khấu, anh nghĩ sao việc có nhiều ca sĩ làm liveshow lại mời dàn nhạc giao hưởng, đó có phải là để làm sang mình hơn?
- Việc hát với cả dàn nhạc giao hưởng là thách thức rất lớn với nghệ sĩ, đòi hỏi ca sĩ không chỉ có chất giọng tốt mà cần phải có bản lĩnh sân khấu. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay khá mạnh dạn thể hiện cùng dàn nhạc trong các sản phẩm riêng và cả trên sân khấu, đó là điều đáng khích lệ. Khi đặt ra thử thách biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng thì người nghệ sĩ cũng sẽ phải nỗ lực, rèn luyện hơn nữa. Nếu chỉ là “làm sang” bằng dàn nhạc giao hưởng mà năng lực chưa đủ thì chính ca sĩ đó sẽ tự làm khó mình, chịu sự đánh giá từ khán giả.
- Khán giả thường thấy anh hay kết hợp trên sân khấu với những người bạn quen thuộc đó là ca sĩ Trọng Tấn, Việt Hoàn, Lan Anh… Anh có định thay đổi mình bằng cách sẽ hát với những ca sĩ trẻ?
- Có chứ, tôi cũng đã nghĩ đến việc sẽ kết hợp với những thế hệ đàn em để làm phong phú thêm dòng nhạc thính phòng, cổ điển. Người nghệ sĩ không nên tự “tháp ngà” trong thế giới nghệ thuật của riêng mình mà cần phải có sự cởi mở hơn với những điều mới mẻ ở thế hệ sau. Tới đây tôi sẽ kết hợp với ca sĩ trẻ Phạm Thuỳ Dung trong concert “Trăng hát” của cô ấy diễn ra ngày 29-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. Đó sẽ là một liveshow thính phòng, cổ điển có nhiều điểm mới.
- Theo anh, điều gì ở Phạm Thùy Dung khiến anh nhận lời hợp tác?
- Tôi và Phạm Thùy Dung đều là nghệ sĩ thuộc dòng nhạc thính phòng. Khi Phạm Thùy Dung quyết định làm concert và mời tôi, tôi khá bất ngờ. Không có nhiều nghệ sĩ trẻ dám mạo hiểm để theo đuổi dòng nhạc khó, kén người nghe như nhạc thính phòng. Cô ấy có niềm đam mê lớn, cũng có những tố chất khác như ngoại hình, giọng hát cũng đã được trau dồi hơn. Tôi nghĩ, với một nghệ sĩ trẻ có suy nghĩ nghiêm túc với âm nhạc như vậy mình nên ủng hộ. Dòng nhạc thính phòng cũng cần có thêm nhiều người trẻ và có đam mê như Phạm Thùy Dung.
- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!