Học Bác cách ứng xử dung dị, gần dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 02/09/2019

1. Tối 30 Tết Nguyên đán Nhâm Dần (1962), đường phố Hà Nội mịt mù trong làn mưa bụi. Trời rét ngọt, xe ô tô đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Chín. Chồng chị Chín mất sớm, để lại 3 đứa con nhỏ dại. Chị phải đi làm công nhật, gặp việc gì làm việc đó để kiếm tiền nuôi con. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Các con chị reo lên: “A! Bác Hồ, Bác Hồ!” rồi chạy lại quanh Bác… Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chạy tới ôm chầm lấy Bác, khóc nức nở và nói: Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá!

Bác nhìn chị Chín, nhìn các con chị một cách trìu mến rồi ôn tồn nói: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?

Đó chỉ là một trong vô vàn hình ảnh chân thực về phong cách ứng xử dung dị, gần dân của Bác. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại một tấm gương tuyệt vời về phong cách lãnh đạo, làm việc cũng như ứng xử dung dị, gần dân, giành được tình cảm quý mến của các tầng lớp nhân dân.

Ở Người, sự dung dị được biểu hiện ở cách ứng xử, cách ăn mặc, cách nói, cách làm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không choáng ngợp, gặp lần đầu mà như đã gặp từ lâu”. Với phong cách ứng xử dung dị mà vô cùng tinh tế, Hồ Chí Minh đã làm cho tất cả mọi người, dù ở địa vị hay thành phần xuất thân nào cũng đều thấy Người gần gũi, không còn ranh giới giữa người đứng đầu đất nước với các tầng lớp nhân dân.

Cách ứng xử dung dị của Người không chỉ biểu hiện ở giao tiếp, mà nội hàm còn rộng hơn nhiều. Người luôn nhất quán giữa lời nói và việc làm, luôn tin yêu và quý trọng nhân dân. Đó là sự đề cao ý dân, sức dân, không làm điều gì trái ý dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Với phong cách đó, Người đã nhiều lần nhắc nhở, phê phán cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; đồng thời, yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, ra mệnh lệnh từ bàn giấy…

2. Kế thừa, phát huy những giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, giành được những thành tựu to lớn trên con đường phát triển. 

Tuy nhiên, việc học tập và làm theo phong cách làm việc gần dân, cách ứng xử dung dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn mang tính hình thức, ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng, Nhà nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: Có cán bộ còn ức hiếp nhân dân, thờ ơ, bàng quan với nhân dân, vòi vĩnh nhân dân, trù dập nhân dân. Họ giống như ông vua con ở những nơi đó. Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được mình, bị chi phối bởi đồng tiền, danh vọng, quyền lực, từ đó, sa vào quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Bệnh xa dân bộc lộ ở việc cán bộ cấp dưới thì mắc bệnh thành tích, lối làm việc qua loa, đối phó, né tránh trách nhiệm, thậm chí là dối trá. Cán bộ cấp cao hơn thì không đi sâu, đi sát thực tiễn, xa rời quần chúng, làm việc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà thiếu kiểm tra thực tế, không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Thậm chí một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có lối sống phô trương hình thức, thiếu ý thức và trách nhiệm nêu gương.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phong cách ứng xử dung dị, gần dân như tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay. Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; trong đó yêu cầu mỗi đảng viên phải luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng tu dưỡng rèn luyện mẫu mực nêu gương về đạo đức, lối sống; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Thực hiện tốt các quy định này cần được gắn chặt với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách nền nếp, sáng tạo, nhất là trong giải quyết những vấn đề "nóng", bức xúc của nhân dân.

Với Thủ đô Hà Nội, việc cải cách hành chính, xây dựng bộ máy cán bộ, công chức gần dân, lắng nghe dân, phục vụ nhân dân, "làm hết việc chứ không hết giờ"... đang tiếp tục được đẩy mạnh. Phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” ngày càng lan tỏa rộng rãi. Mối quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo, đảng viên với quần chúng nhân dân nhờ đó ngày càng thêm mật thiết, gắn bó!

Sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, luôn tin yêu và quý trọng nhân dân đã làm nên một nhân cách lớn - Hồ Chí Minh.

Học Bác lòng ta trong sáng hơn!

Đình Hiệp