Song Phượng nhớ lời Bác dạy
Chính trị - Ngày đăng : 06:55, 02/09/2019
Lời Bác là nguồn cổ vũ, động viên
Lật mở từng trang tư liệu lịch sử, ông Đỗ Văn Tiến, 62 tuổi ở thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng), người đã dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương, xúc động kể: “Bác Hồ về Song Phượng ngày 25-11-1961. Người ra tận xứ đồng Cây Sung, thôn Tháp Thượng thăm lúa và nói chuyện với bà con xã viên. Người động viên nhân dân khẩn trương thu hoạch, không để thất thoát lúa và căn dặn, phải phân chia cho xã viên công bằng, hợp lý. Người nhắc nhở bà con đào giếng lấy nước sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh và đặc biệt là phải đoàn kết… Những lời căn dặn của Người là chỉ dẫn, là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân Song Phượng vững bước trên con đường xây dựng quê hương”.
Là người con quê hương Song Phượng, chung niềm tự hào được Bác về thăm, nên ông Đỗ Văn Tiến đã dành thời gian sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, đối với quê hương Song Phượng nói riêng. Ông Tiến kể: “Thực hiện lời dạy của Người, nếu như năm 1959, cả xã chỉ có 9 giếng khơi thì đến năm 1963 đã có 119 giếng khơi. Phong trào “sạch làng, tốt ruộng” được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Từ đó đến nay, xóm làng ở Song Phượng luôn phong quang, sạch đẹp, bảo đảm phòng chống dịch bệnh”...
Đặc biệt, những năm 1964-1965, Song Phượng đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau này là phong trào “Ba đảm đang”). Phụ nữ xã Song Phượng vừa chăm con vừa chắc tay cày, tay súng, bảo vệ, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến yên tâm đánh giặc. Bà Nguyễn Thị Tằm, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng cho biết: Cả nước bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cam go và ác liệt, trai tráng trong xã lên đường tòng quân chỉ còn phụ nữ là lực lượng lao động chính ở lại quê hương. Vì vậy, Hội Phụ nữ xã đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”: Đảm nhiệm sản xuất, đảm nhiệm việc nhà và đảm nhiệm chiến đấu. Phong trào sục sôi khí thế, đạt nhiều kết quả và có sức lan tỏa lớn. Tháng 3-1965, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trên toàn miền Bắc và sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành phong trào “Ba đảm đang”.
Theo Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức: Năm 1964, nhân dân xã Song Phượng đã góp hơn 8.226 ngày công đào đắp được hơn 16.443m3 đất làm kênh mương, thủy lợi; hoàn thiện hệ thống tưới, tiêu. Năm 1965, năng suất lúa tại Hợp tác xã Thượng Thụy (xã Song Phượng) đã đạt 5 tấn/ha - mức năng suất kỷ lục ở miền Bắc thời kỳ đó. Đến thập niên 70 của thế kỷ trước, năng suất lúa nâng lên 7 tấn/ha... Với thành tích này, Song Phượng trở thành vùng lúa trọng điểm của huyện Đan Phượng. Sản xuất phát triển, năng suất lúa, ngô, khoai đều cao, Song Phượng được Trung ương và thành phố biểu dương, coi đây là một điểm sáng trong phong trào sản xuất, chiến đấu…
Điểm sáng nông thôn mới của Thủ đô
Những lời Bác căn dặn năm xưa là điểm tựa, là hành trang cho cán bộ, nhân dân Song Phượng nỗ lực phấn đấu trong công cuộc xây dựng quê hương. Và, Song Phượng đã, đang là “lá cờ đầu” của huyện Đan Phượng và thành phố trong nhiều phong trào. Đặc biệt, Song Phượng sớm hoàn thành trọng trách là xã điểm xây dựng nông thôn mới của Hà Nội (hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ năm 2013) và được rất nhiều địa phương học tập kinh nghiệm. Sau nông thôn mới, địa phương tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao và trở thành một trong 3 xã đầu tiên của thành phố “cán đích” vào năm 2018.
Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã hình thành ở Song Phượng. Trên khu đồng Vòng, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật với khu nhà lưới trồng rau an toàn. Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng Tạ Thị Hải cho biết: Hợp tác xã đã vận động thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới vào sản xuất; đồng thời, thực hiện điểm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 2.000m2 trồng rau sạch, có liên kết với các bếp ăn tập thể trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định. Giá trị sản xuất mỗi héc ta canh tác của xã đạt hơn 400 triệu đồng/năm. Bên cạnh nghề nông, với lợi thế của vùng đất ven đô, người dân nơi đây còn phát triển kinh doanh, dịch vụ, nghề truyền thống… Năm 2018, thu nhập bình quân của xã Song Phượng đạt 51 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ có cuộc sống sung túc từ những mô hình kinh tế phát triển, đến Song Phượng hôm nay còn được thấy những con đường bích họa đẹp mắt, rất nhiều cây xanh và hoa... “Xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân đã đổi thay toàn diện, ý thức vì cộng đồng trong dân cư rất cao. Hệ thống ao, hồ trên địa bàn xã đã được cải tạo sạch đẹp, quanh ao có khuôn viên cây xanh, có điện chiếu sáng và ghế đá... ” - bà Nguyễn Thị Thỏa ở thôn Tháp Thượng phấn khởi nói.
Kinh tế - xã hội phát triển, những giá trị lịch sử, văn hóa được Song Phượng trân trọng, gìn giữ. Nhà truyền thống của xã được xây dựng nổi bật giữa hồ Văn Chỉ trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Song Phượng. Bức ảnh chụp Bác chống gậy thăm đồng, nói chuyện với nhân dân được phóng to, treo ở vị trí trang trọng nhất. Cùng với đó là các tư liệu lịch sử phản ánh không khí lao động, sản xuất, chiến đấu của nhân dân trong những năm chiến tranh và xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới. “Chúng tôi lưu giữ rất cẩn thận, coi đó như báu vật để truyền lại cho các thế hệ mai sau tiếp tục làm hành trang trên những bước đường xây dựng quê hương Song Phượng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ” - Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức chia sẻ.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời căn dặn của Người khi về thăm xã Song Phượng, cán bộ và nhân dân nơi đây đã, đang nỗ lực hết mình để Song Phượng xứng đáng là điểm sáng nông thôn mới của Thủ đô.