Xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất: Góp phần bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 08:07, 02/09/2019
1. Các Hội Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh có từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã phát triển hơn trước và được tổ chức từ thành phố xuống đến 47 khu phố nội thành, 118 làng, xã ngoại thành. Ngoài ra, Mặt trận Việt Minh còn có các tổ chức khác như: Công thương cứu quốc đoàn, Cựu Binh sĩ cứu quốc đoàn (tổ chức của những người lính thợ, bị bắt đi lính cho Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, sau khi trở về Hà Nội, tự nguyện vào tổ chức này), Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc. Đội ngũ văn nghệ sĩ và công chức yêu nước, theo cách mạng ngày càng đông đảo, tập hợp trong Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Việt Nam cứu quốc. Đồng bào theo các tôn giáo cũng vào các tổ chức như Hội Phật giáo cứu quốc, Công giáo cứu quốc.
Nhờ dựa chắc vào nhân dân yêu nước, một lòng tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào cách mạng do Chính phủ lâm thời và Mặt trận Việt Minh phát động như: Tuần lễ vàng, Tuần lễ văn hóa; các phong trào quyên góp vào “Quỹ Độc lập”, “Hũ gạo cứu đói”, “Đời sống mới”, “Bình dân học vụ”, “Khỏe vì nước”... được toàn dân sôi nổi thực hiện. Giới thương gia đã dốc lòng ủng hộ cách mạng. Các ông, bà Vũ Thị Lai, Lợi Quyền, Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô, Bùi Hưng Gia, Chân Hưng, Hòa Tường, Trịnh Đình Kính, Nguyễn Hữu Nhâm, Trịnh Thị Điền… là những người ủng hộ nhiều nhất trong Tuần lễ vàng. Sau đó, một số vị còn tự nguyện đóng góp cổ phần lập ra Ngũ cốc Công ty, Liên đoàn vận tải các công ty cổ phần để giúp Chính phủ cứu đói. Cảm động nhất là những người lao động nghèo vất vả dành dụm được 1-2 chỉ vàng, cũng hiến cho Chính phủ. Người dân ngoại thành thời đó còn truyền nhau câu ca dao: “Chẳng sang vì bạc vì vàng/Cúng Quỹ Độc lập, đẹp chàng, đẹp em”.
Các hội và đoàn thể quần chúng còn tích cực ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, quyên góp tiền của, động viên thanh niên gia nhập Vệ quốc đoàn và Tự vệ chiến đấu, Tự vệ thành Hoàng Diệu. Ngày 27-9-1945, công nhân hỏa xa mở đầu phong trào “Giờ làm cứu nước” của công nhân Thủ đô. Hội Phụ nữ cứu quốc quyên góp vải, len, dạ, may áo cho các chiến sĩ Nam Bộ, sau đó lại tổ chức chợ phiên ở chùa Láng từ mùng 2 đến mùng 10 Tết Bính Tuất (1946) để ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Thanh niên xung phong vào Nam chiến đấu và trong các chi đội Giải phóng quân “Nam tiến” do đồng chí Nam Long và Vi Dân chỉ huy có nhiều chiến sĩ là người Hà Nội. Chi đội “Tây Tiến” do đồng chí Nông Ích Cao làm Đội trưởng đã sang giúp cách mạng Lào đánh thực dân Pháp.
Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và củng cố Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đi thăm hỏi đồng bào, từ người dân lao động đến công chức, trí thức, sinh viên, học sinh… và các đơn vị vũ trang Thủ đô. Uy tín lớn lao của Người và sự thanh liêm, tận tụy của đội ngũ cán bộ theo gương Bác làm cho nhân dân thêm tin tưởng chế độ mới, tự nguyện tham gia các phong trào cách mạng, xây dựng và bảo vệ chính quyền.
Để có chính phủ hợp hiến và hợp pháp, cần phải tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Do đó, nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử nhằm tỏ rõ rằng, Chính phủ tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài, vì quyền lợi tối cao của dân tộc. Vì thế, Hà Nội có 6 đại biểu Mặt trận Việt Minh giới thiệu trong tổng số 74 đại biểu của các đảng phái đưa ra ứng cử. Bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào các ứng viên do Việt Minh giới thiệu, đại biểu của 118 làng ngoại thành công bố một bản kiến nghị: "Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa".
Ngày 6-1-1946, đại biểu do Việt Minh giới thiệu và bầu cử tại Thủ đô Hà Nội đã trúng cử Quốc hội. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với số phiếu cao nhất (98,4%). Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi là minh chứng hùng hồn về sức sống của chính quyền cách mạng.
2. Không lâu sau Tổng tuyển cử, ngày 28-2-1946, Hiệp ước Pháp - Hoa ký kết, do đó, thực dân Pháp đã đưa quân ra miền Bắc thay thế quân Tưởng. Chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta ở thời điểm đó. Ngày 2-3-1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập. Ngày 18-3-1946, Pháp đã đưa 1.200 quân vào Hà Nội. Tháng 5-1946, thành phố Hà Nội kiện toàn lại tổ chức cấp cơ sở. Theo đó, 47 khu phố nội thành sáp nhập thành 17 khu; 118 làng, xã được tổ chức trong 5 khu. Mỗi khu đều có tổ chức Đảng, chính quyền và Khu bộ Việt Minh làm nòng cốt cho Hội Liên Việt.
Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (còn gọi là Hội Liên Việt) được thành lập ngày 29-5-1946, nhằm tập hợp các lực lượng yêu nước, các đảng phái, nhân sĩ trí thức ở ngoài Mặt trận Việt Minh. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tạo nên sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc. Các đoàn thể cứu quốc cũng được mở rộng với hình thức mới như: Liên hiệp công đoàn Hà Nội; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố... Nhờ có nhân dân làm tai mắt và hậu thuẫn, ngày 12-7-1946, Công an Hà Nội đã đập tan âm mưu đen tối, muốn lật đổ chính phủ cách mạng của Quốc dân đảng phản động.
Ngày 14-10-1946, các đoàn thể, các hội quần chúng Hà Nội đã tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa, phản đối thực dân Pháp vi phạm nghiêm trọng Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), âm mưu tái chiếm Việt Nam. Ngày 2-11-1946, tại Nhà thờ Lớn, Liên đoàn Công giáo địa phận Hà Nội đã tổ chức lễ cầu hồn cho các chiến sĩ bỏ mình vì nước. Các cụ Ngô Tử Hạ, Trịnh Sĩ Bình là những giáo dân tiêu biểu, tích cực xây dựng khối đoàn kết công giáo theo tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo”, thiết thực góp phần xây dựng chế độ mới. Sau đó, Thành hội Liên Việt đã phát động phong trào “Mùa đông binh sĩ”, ủng hộ các chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận. Cửa hàng may Tân Đức Việt ở phố Hàng Trống là cơ sở đầu tiên may áo trấn thủ cho quân đội. Thanh niên nô nức vào tự vệ. Các trung đội và đại đội tự vệ ở khu phố và các làng, xã tăng cường luyện tập quân sự với vũ khí tự mua sắm là chính.
… Có thể thấy, từ sau Cách mạng Tháng Tám đến tháng 11-1946, chỉ hơn một năm xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất theo tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, Thủ đô Hà Nội đã đứng vững trước mọi thử thách, xây dựng được chính quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân và tích cực, chủ động chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ở vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, trong tình thế hiểm nghèo, thù trong giặc ngoài câu kết với nhau để phá hoại, lật đổ, tiến tới xâm lược Việt Nam, việc xây dựng thành công Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân làm chỗ dựa vững chắc của Nhà nước dân chủ nhân dân vẫn là bài học quý giá, mang tính thời đại sâu sắc trong tình hình hiện nay...