“Một đời thanh bạch chẳng vàng son”
Chính trị - Ngày đăng : 17:01, 04/09/2019
Nhiều người Việt Nam cũng như bạn bè, khách quốc tế đến Hà Nội đều biết đến hình ảnh ngôi nhà sàn của Bác Hồ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, nhưng không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc ngôi nhà đơn sơ, giản dị, từng là nơi ở và làm việc trong 11 năm cuối cuộc đời của một Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, một trong những vĩ nhân làm nên thế kỷ XX.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trở về Thủ đô Hà Nội. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng và Nhà nước trân trọng mời Bác về ở tại ngôi nhà của Toàn quyền Đông Dương trước kia, nhưng Bác từ chối vì: “Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân”, và Người quyết định chọn ngôi nhà nhỏ của người thợ điện trong dinh Toàn quyền Đông Dương làm nơi ở và làm việc.
Năm 1958, Đảng và Nhà nước đã làm tặng Bác ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ giống như những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc ở chiến khu Việt Bắc. Ngôi nhà có vài phòng nghỉ và phòng làm việc, mỗi phòng chừng hơn chục mét vuông, nhưng Bác chỉ sử dụng một phòng nghỉ và một phòng làm việc, đồng thời đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng sử dụng phòng nghỉ còn lại, vì “một mình Bác ở nhà to rất lãng phí!”. Ngôi nhà nhỏ bình dị, mộc mạc, như nhà thơ Tố Hữu mô tả trong thi phẩm Theo chân Bác: “Nhà gác đơn sơ một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn/ Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”.
Trong khu lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch hiện còn lưu giữ, trưng bày chiếc xe ô tô nhãn hiệu Pôbêđa do chính phủ và nhân dân Liên Xô (cũ) gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bác vẫn sử dụng để đi lại từ ngày hòa bình lập lại. Xe dùng đã lâu ngày nên cũ và nhất là hay hỏng vặt, nhưng khi văn phòng đề nghị Bác cho đổi xe khác tốt hơn thì Bác không đồng ý và bảo: “Ai thích đi nhanh, thích êm thì đổi. Còn Bác dùng xe này vì nó chưa hỏng’’.
Thế là chiếc xe ấy vẫn thủy chung với Người cho đến cuối cuộc đời.
Nhớ về Bác, hẳn bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều nhớ đến những kỷ vật rất bình dị từng gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đặc biệt là đôi dép cao su sờn quai Bác vẫn thường đi. Đôi dép được làm từ lốp ô tô quân sự của Pháp, gắn bó với Bác từ năm 1947, theo chân Người suốt hành trình kháng chiến trường kỳ gian khổ cho đến những năm sau này khi Người đã về Thủ đô, thậm chí cả trong những chuyến đi công tác nước ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang theo đôi dép cao su giản dị, cho dù quai đã sờn, đế đã mòn theo năm tháng. Đã bao lần các cán bộ văn phòng, chiến sĩ cảnh vệ đề nghị thay cho Bác đôi giày hoặc đôi dép mới, nhưng Người kiên quyết không đồng ý vì “dép vẫn còn đi được”... Hình ảnh đôi dép cao su của Bác Hồ đã đi vào thi ca, để tấm gương thanh cao, đức độ của Người mãi tỏa sáng cùng non sông, đất nước, để mãi mãi “Dấu dép Cha già dẫn lối chúng con đi”.
Nhiều du khách không khỏi xúc động trước bộ quần áo kaki bạc màu mà Bác Hồ lúc sinh thời vẫn mặc. Bộ quần áo màu vàng do Xưởng may 10 thuộc Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần may, được Người sử dụng từ năm 1959 cho tới ngày qua đời. Đây là bộ quần áo mà Bác thường mặc khi tiếp khách, khi thăm các địa phương trong nước khi tiết trời se lạnh, đi thăm các nước anh em, bạn bè, dự các hội nghị, các cuộc họp của Trung ương Đảng và Chính phủ. Trong nhiều thước phim tư liệu, chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh giản dị của Bác, với bộ quần áo gụ mộc mạc Người vẫn mặc khi làm việc và nghỉ ngơi ở nhà. Người cũng nhiều lần mặc bộ quần áo này khi đi thăm và động viên, đi dự một số hội nghị trong những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch từ năm 1954 đến năm 1969. Nhiều người từng được sống và làm việc bên Bác đã kể: Người ăn mặc rất giản dị và tiết kiệm. Quần áo chỉ có vài bộ, may cùng kiểu. Có cái áo rách, vá đi vá lại, thay cổ mà Bác vẫn không cho đổi. Có lần Bác nói với một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng một cách chân tình: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”.
Minh chứng cho phong cách giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là chiếc quạt lá cọ mà sinh thời Người thường dùng, do các chiến sĩ cảnh vệ làm từ lá của cây cọ trồng trong Phủ Chủ tịch. Theo các nhân chứng được làm việc bên cạnh Bác, Người rất thích chiếc quạt và thường để nó ở đầu giường. Những ngày hè oi bức, Người vẫn dùng chiếc quạt này hoặc quạt giấy thay vì quạt điện bởi Người muốn tiết kiệm điện cho việc sản xuất, cho sinh hoạt của người dân. Ý thức tiết kiệm của Bác cũng thể hiện rõ trong một câu chuyện khác. Đó là thời gian đầu về Thủ đô, Bác ở trong ngôi nhà của người thợ điện. Phòng hẹp nên mùa hè rất nóng. Thấy Bác vẫn chỉ dùng quạt giấy, Bộ Ngoại giao đã mua tặng Bác chiếc điều hòa nhiệt độ. Nhân lúc Bác đi công tác, anh em phục vụ bèn lắp chiếc máy điều hòa. Khi về Bác không nói gì, nhưng đến chiều Người bảo: “Các chú hãy mang chiếc máy điều hòa này cho anh em thương binh ở Hàng Bột. Hôm Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần”.
Ngoài những hiện vật tiêu biểu trên, trong hệ thống hàng trăm bảo tàng, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp cả nước (kể cả trong và ngoài công lập) vẫn còn lưu giữ, trưng bày rất nhiều hiện vật vô giá phản ánh một cách trung thực về cuộc đời giản dị, thanh cao, về tấm gương thực hành cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vô cùng vĩ đại mà rất đỗi kính yêu, gần gũi của dân tộc, một con - người - huyền - thoại suốt đời tận tụy cống hiến, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân mà không một chút mưu cầu vật chất cho riêng mình.
Đúng như cố Thủ tướng Ấn Độ I.Gandi đã ca ngợi: “Tên tuổi của Người sẽ trường tồn như nhân dân của Người. Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ các thế hệ mai sau”, tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh vẫn trường tồn cùng dân tộc, mãi là những bài học lớn cho các thế hệ người Việt Nam noi theo.
ThS. Triệu Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
“Trong hơn 300 bản thảo, các bài báo, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà kho văn bản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ bản gốc, thì có tới 90% các bài viết Người sử dụng các tờ giấy loại, đã viết một mặt như bản in, giấy tiêu đề của Phủ Chủ tịch, thậm chí có những bản thảo bài báo ngắn khoảng 200 chữ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hai mảnh giấy nhỏ ghép lại”.