Dấu ấn của nữ võ sĩ người Tày
Thể thao - Ngày đăng : 11:06, 05/09/2019
Biến ước mơ thành hiện thực
Cuối năm ngoái, Phụ trách bộ môn Quyền anh nữ Hà Nội Nguyễn Như Cường - người đã theo sát những bước tiến chuyên môn của Hà Thị Linh trong hơn 10 năm qua, đã kể về mục tiêu đưa cô học trò thi đấu tại các giải đấu nhà nghề để tích lũy kinh nghiệm cũng như có thêm thu nhập.
Mục tiêu ấy hoàn toàn sát với thực tế khi quyền anh nam Việt Nam đã có một số võ sĩ thi đấu ở những sân chơi chuyên nghiệp quốc tế. Trong khi đó, trình độ quyền anh nữ Việt Nam đã được khẳng định ở tầm châu lục nên hoàn toàn có lý do để đưa các võ sĩ tham dự ở sân chơi nhà nghề bên cạnh sân chơi nghiệp dư.
Ngoài ra, thi đấu ở giải nhà nghề cũng sẽ mang đến thu nhập cho các võ sĩ - những người chỉ trông vào tiền thưởng từ các giải trong nước cũng như quốc tế trong hệ thống thi đấu chính thức của Liên đoàn Quyền anh khu vực Đông Nam Á, châu lục và thế giới.
Thực tế thì không dễ để giành huy chương ở các giải này, đồng nghĩa là hy vọng có tiền thưởng từ ngành Thể thao cho thành tích quốc tế cũng rất mong manh. Trong khi ấy, vận động viên cũng cần có thu nhập để nuôi dưỡng đam mê, chăm lo gia đình, nhất là khi điều kiện luyện tập, chế độ đãi ngộ ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Mức tiền công, tiền ăn chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/ tháng thật khó để nuôi đam mê.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh cũng ủng hộ việc đưa các võ sĩ Việt Nam tham gia các giải đấu chuyên nghiệp. Chính vì vậy, ông đã làm cầu nối để nhiều võ sĩ Việt Nam tập luyện ở các trung tâm thể thao trước khi đến với các sân chơi chuyên nghiệp.
Theo ông Hoàng Quốc Vinh, sân chơi chuyên nghiệp sẽ mang đến nhiều trải nghiệm và cơ hội cải thiện thu nhập cho vận động viên. Đó có lẽ cũng là lý do để tạo động lực cho quyền anh Hà Nội đưa Hà Thị Linh đến với sân chơi chuyên nghiệp.
Đặc biệt, Hà Thị Linh đang được xem là tấm gương về nghị lực phấn đấu của quyền anh Hà Nội. Rõ nhất là chuyện cô gái này từng tập trở lại quyền anh khi con mới được 4 tháng tuổi. Nhờ đó, Hà Thị Linh đóng góp 1 Huy chương Vàng cho quyền anh Hà Nội tại Đại hội Thể thao toàn quốc vào tháng 12 năm ngoái. Đấy là ngôi vô địch đầy bất ngờ với Ban huấn luyện quyền anh Hà Nội, bởi cách đó hơn 1 năm, khi nhận tin Hà Thị Linh đã có bầu, họ đã phải giảm chỉ tiêu giành Huy chương Vàng ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018.
Nhưng rồi Hà Thị Linh đã trở lại ngoạn mục bên cạnh sự hỗ trợ của người thân, trong đó có việc mẹ đẻ cô phải xuống Hà Nội để trông cháu nhằm giúp con gái yên tâm tập luyện. Rồi cả sự hỗ trợ về tinh thần cũng như cơ chế của các huấn luyện viên của Hà Nội mà nói ra cả ngày cũng không hết chuyện.
Tất nhiên, không dễ để được chấp nhận tham gia sân chơi chuyên nghiệp. Ở đó, Ban Tổ chức sẽ chọn lựa vận động viên tham dự căn cứ những tiêu chí ngặt nghèo. Việt Nam từng đăng ký 2 võ sĩ tham dự Giải Quyền anh nhà nghề tranh đai vô địch hạng 61kg nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng cuối cùng chỉ có Hà Thị Linh được chọn.
Nhờ đó, cô trở thành nữ võ sĩ Việt Nam tham dự sân chơi quyền anh nữ chuyên nghiệp thế giới. Nhưng đáng chú ý hơn là bà mẹ một con này đã giành chiến thắng trước Zhao Yuanyuan (Trung Quốc) - nữ võ sĩ từng giành chiến thắng cả 2 trận đấu chuyên nghiệp trước đó và có thể hình tốt hơn, trẻ hơn Hà Thị Linh tới 5 tuổi, ngay tại Trung Quốc. Chiến thắng đó giúp Hà Thị Linh sở hữu chiếc đai vô địch khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kết quả ấy đã khiến huấn luyện viên Nguyễn Như Cường không khỏi vui mừng: "Đây là chiến thắng mở đầu cho sự phát triển của boxing nữ nói riêng và boxing Việt Nam nói chung tại đấu trường nhà nghề, khích lệ các vận động viên của Việt Nam cũng như Hà Nội trong hành trình thi đấu chuyên nghiệp”.
Còn nhiều mục tiêu khác
Hà Thị Linh không chỉ dừng lại ở một trận đấu quyền anh nhà nghề. Cô sẽ còn tham dự nhiều trận đấu nữa để trui rèn chính bản thân. Như chính huấn luyện viên Nguyễn Như Cường từng chia sẻ: “Quyền anh nghiệp dư và quyền anh nhà nghề có một số khác biệt trong đó rõ nhất là về thời gian thi đấu. Số hiệp đấu kéo dài của quyền anh chuyên nghiệp sẽ khiến vận động viên phải rèn luyện nhiều hơn về kỹ thuật, sức bền, độ dẻo dai. Trong khi đó, nếu tập quyền anh nghiệp dư thì chỉ thi đấu tối đa 3 hiệp một trận. Lúc ấy, vận động viên lại phải chú ý đến sức mạnh, tốc độ”.
Vì vậy, việc tham dự các trận đấu quyền anh chuyên nghiệp sẽ giúp Hà Thị Linh cải thiện thêm nhiều kỹ năng đồng thời có thể đạt đến những cột mốc mới trong sự nghiệp.
Ở tuổi 26 và đã là bà mẹ một con nhưng đam mê của nữ võ sĩ người Tày vẫn nguyên vẹn. Đó là điều hiếm gặp trong làng quyền anh nữ Việt Nam. Ở lứa tuổi này, nhiều võ sĩ đã lui lại để lo việc gia đình hoặc chuyển hướng công việc. Nhưng Hà Thị Linh vẫn tiếp tục thi đấu. Phía trước cô không chỉ là những trận đấu quyền anh nhà nghề mà còn là trách nhiệm với thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội.
Từ nay cho đến cuối năm 2019, Hà Thị Linh còn hai sân chơi quan trọng là Giải vô địch thế giới tại Nga (tháng 10) và SEA Games 30 - 2019 diễn ra tại Philippines. Từng giành ngôi vô địch SEA Games năm 2013 nên Hà Thị Linh vẫn mong tái lập thành tích ấy. Còn tấm huy chương ở giải vô địch thế giới cũng như tấm vé tham dự Olympic 2020 vẫn là giấc mơ.
Để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, đòi hỏi sự đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ. Hiện tại, Hà Thị Linh đang có được điều đó để có thể đạt đến những cột mốc mới như cô từng thực hiện trong lần đầu tham dự sân chơi nhà nghề vừa qua.