Hòa bình ở Afghanistan: Chặng đường còn dài
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 05/09/2019
Theo dự thảo thỏa thuận, Mỹ sẽ rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày. Việc rút quân sẽ diễn ra theo kế hoạch nếu Taliban thực hiện cam kết giảm bạo lực và không cho phép nhóm khủng bố al-Qaeda hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng Afghanistan làm căn cứ phát động tấn công nhằm vào Mỹ và các đồng minh. Đặc phái viên của Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad cho hay, mục đích của việc đối thoại là chấm dứt chiến tranh nhưng không có thỏa thuận ngừng bắn chính thức.
Trong nhiều năm qua, Taliban là vấn đề đau đầu không chỉ của chính quyền Afghanistan và Pakistan, mà còn là bài toán nan giải đối với chính quyền Mỹ, bởi nước Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến tại đây. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần khẳng định quyết tâm sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan.
Vào tháng 8-2017, chính quyền của Tổng thống D.Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, bao gồm kế hoạch can dự quân sự dài hạn cũng như tăng số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan lên đến 14.000 người. Trong khi đó, NATO cũng có kế hoạch bổ sung khoảng 4.000 binh sĩ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ hỗ trợ quân Chính phủ Afghanistan.
Về phía Afghanistan, trong một nỗ lực nhằm khởi động tiến trình hòa giải chính trị cho cuộc khủng hoảng, tháng 2-2018, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến 18 năm qua ở Afghanistan đã gặp trở ngại vì hàng loạt bất đồng.
Cơ hội chấm dứt xung đột tại Afghanistan lại mở ra khi Taliban khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Afghanistan đã được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2018 sau khi Mỹ bổ nhiệm Đặc phái viên người gốc Afghanistan Zalmay Khalilzad đứng đầu các cuộc đàm phán.
Từ tháng 7-2018 đến nay, ông Z.Khalilzad đã tiến hành 9 cuộc đàm phán với các đại diện của Taliban. Và kết quả là sau vòng đàm phán thứ 9, một dự thảo thỏa thuận hòa bình ra đời được coi như một bước đột phá. Ông Z.Khalilzad đã gặp Tổng thống Afghanistan M.Ghani tại thủ đô Kabul hôm 2-9 để bàn về nội dung dự thảo thỏa thuận trên.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2018 là năm đẫm máu nhất tại Afghanistan, khi có ít nhất 3.804 dân thường bị chết trong các vụ bạo lực, trong đó có 927 trẻ em. Trong 7 tháng năm 2019, các cuộc giao tranh tại đây cũng đã khiến 217.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Do đó, dự thảo thỏa thuận trên là cơ hội giải quyết những bất ổn về an ninh ở quốc gia Tây Nam Á này, đồng thời giúp Tổng thống D.Trump đạt được mục tiêu đề ra là chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng hoài nghi liệu thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có đủ để chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan? Trên thực tế, Taliban cần đạt được thỏa thuận với Chính phủ Afghanistan được Washington hậu thuẫn để chấm dứt cuộc chiến này. Dù đàm phán “tích cực” với Mỹ, song Taliban vẫn không ngừng đánh bom, tấn công khủng bố.
Mới đây nhất, Taliban đã nhận trách nhiệm gây ra một vụ đánh bom xe hơi ở thủ đô Kabul hôm 2-9 khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và 119 người bị thương. Thế nên, ngay cả khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận thì đây chỉ là bước đi đầu tiên của tiến trình hòa bình tại Afghanistan và tiến trình này vẫn còn một chặng đường dài phía trước.