Phạm Quang Đẩu và vài góc đam mê
Văn hóa - Ngày đăng : 10:50, 05/09/2019
1. Xuất thân là một kỹ sư cơ khí nhưng chính năng khiếu văn chương cùng với vốn sống xã hội dày dặn đã đưa Phạm Quang Đẩu đến với công việc của một nhà báo, nhà văn trong môi trường quân đội. Từ năm 2009 đến nay, sau khi đã rời nhiệm vụ Trưởng ban Quân đội Nhân dân Cuối tuần (Báo Quân đội Nhân dân), người ta lại thấy ông viết khỏe hơn, đều đặn hơn và gặt hái được không ít giải thưởng ở các cuộc thi văn học uy tín.
Tôi có ấn tượng sâu sắc với nhà văn Phạm Quang Đẩu khi đọc bài viết “Gặp nhà khoa học trẻ nghĩ về sức sống của một giải thưởng” của ông về Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn - người giành giải trẻ (dưới 35 tuổi) của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Bởi, nhiều lần trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn, anh vẫn thường nhắc: “Trong rất nhiều bài viết về tôi thì đây là bài viết hay nhất, thú vị nhất, dày dặn thông tin khoa học nhất”. Thật vậy, ở bài viết này ông đã chuyển tải được một cách tỉ mỉ về một lĩnh vực không hề dễ hiểu với một người bình thường - đó là lý thuyết về vật lý vũ trụ.
Trước câu hỏi: “Làm thế nào để có thể viết cuốn hút về một đề tài khô khan như khoa học?”, Phạm Quang Đẩu bộc bạch rằng, muốn viết hay về lĩnh vực này thì ít nhất phải biết sơ sơ kiến thức ấy để trong cuộc trò chuyện với nhân vật, nhà báo có thể khai thác được nhiều thông tin phục vụ cho bài viết. Ông cũng luôn giữ nguyên tắc “bất di bất dịch” là khi viết về một nhà khoa học ông thường yêu cầu họ cho xem những bài báo khoa học của họ đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành ở trong nước và quốc tế. Để có thể hiểu được những kiến thức ấy, ông đã phải tự học hỏi, mày mò, nghiên cứu rất nhiều và đặc biệt là trau dồi vốn ngoại ngữ “đủ dùng”. “Thông tin khoa học vốn dĩ đã khô khan và không phải ai cũng hiểu được hết, nhưng khi viết về khoa học, nhà báo vẫn phải đảm bảo truyền tải những thông tin ấy đến với bạn đọc một cách chính xác nhất, mà vẫn phải sinh động, dễ hiểu và cuốn hút. Đấy là công việc không dễ dàng. Chính vì vậy, tôi đã phải kỳ công tìm hiểu về lĩnh vực này và nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong việc đóng góp ý kiến để bài viết của mình đảm bảo được các tiêu chí đó”, nhà văn Phạm Quang Đẩu nhấn mạnh.
2. Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Phạm Quang Đẩu mà không nhắc đến cuốn tiểu thuyết chân dung Đơn tuyến đã từng giành giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” nhân Kỷ niệm 70 năm ngành Công an Nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2015) do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức. Đặc biệt, ông viết về cuộc đời nhà tình báo, nhà khoa học, Thiếu tướng Công an Nguyễn Đình Ngọc khi nhân vật đã qua đời, nên việc tìm kiếm, thu thập, sưu tầm tài liệu lại càng không đơn giản.
Thực tế, chúng ta hay nhắc đến tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết viễn tưởng hay truyện ký, hồi ký, ký chân dung... mà ít thấy đề cập đến tiểu thuyết chân dung, nhưng nhà văn Phạm Quang Đẩu lại rất “hào hứng” với thể loại này. Ông chia sẻ: “Viết về người thật, việc thật nhiều người hay chọn thể loại truyện ký, hồi ký, ký chân dung, tức là dựng lại chân thực nhân vật, tránh hư cấu. Còn khi đã dùng đến thể loại tiểu thuyết, ít nhiều đều có hư cấu, song vấn đề cốt yếu là không được xuyên tạc sự thật lịch sử. Cuốn Đơn tuyến của tôi như phần tự bạch ở đầu sách: “Sự kiện, nhân vật lịch sử được tôn trọng tối đa thông qua tư liệu, lời kể của người thân, bạn bè, bên cạnh đó hư cấu đóng vai trò kết nối và tô đậm tính cách”.
Để làm được điều này, ngoài việc khai thác hồi ức của nhiều người, ông cũng bỏ công sức lục tìm thông tin trong kho dữ liệu kỹ thuật số, với gần 300 tài liệu tham khảo khác nhau. Như ông bộc bạch, nếu không có internet, ông khó có thể hoàn thành được cuốn sách với trên 350 trang in, trong thời gian có hơn một năm như vậy. Khi xong bản thảo lần đầu vào cuối năm 2012, ông chỉ đưa cho hai người nhờ đọc, góp ý, đó là nhà văn Ma Văn Kháng để xin ý kiến về nghề và bác sĩ Nguyễn Đình Kim, người gần gũi nhất với nhân vật chính. Khi đó nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét: “Từ chất liệu có thực đến một chế phẩm văn chương, đó là tài nghệ và công phu sáng tạo của nhà văn Phạm Quang Đẩu. Lịch sử thì bề bộn một dòng chảy sôi sục. Còn con người thì nhỏ bé nhưng đã neo vào lịch sử và tác động vào lịch sử bằng một sức mạnh giản dị mà tầm vóc thì thật lớn lao. Đó là chân dung một nhà tình báo đặc sắc ít thấy mà tôi đã được thấy”. Còn bác sĩ Nguyễn Đình Kim lúc trả lại bản thảo đã vui vẻ bảo: “Bây giờ tôi mới biết đầy đủ về chiến công của anh tôi. Và anh viết lãng mạn hơn tôi nghĩ về ông anh tôi đấy”.
3. Là một chiến sĩ cầm bút phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân hàm Đại tá, vì thế Phạm Quang Đẩu đã dành nhiều thời gian và công sức để viết về những người chiến sĩ, trong đó nổi bật hơn cả là tiểu thuyết Một ngày là mười năm đã được giải thưởng Văn học sông Mê Kông vào năm 2010.
Nhân vật chính trong cuốn sách là Nhị Nguyễn, một chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, trải qua cả hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ, được ghép từ ba nguyên mẫu mà Phạm Quang Đẩu từng tiếp xúc. Bên cạnh nhân vật hư cấu, ông còn đưa vào tiểu thuyết những nhân vật lịch sử, giữ nguyên tên thật, các sự kiện đời tư được rút ra từ chính hồi ký của họ, như Giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Nguyễn Chính Cầu, nguyên Chính ủy Quân khu Nam Lào, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương... Chia sẻ về cơ duyên viết cuốn sách này, nhà văn cho biết: “Thời chiến, tôi từng là trợ lý kỹ thuật của quân đội ta, giúp bạn xây dựng doanh trại, hầm ngầm, nhà cửa ở vùng giải phóng Bắc Lào. Sau ngày nước nhà thống nhất, tôi chuyển sang làm báo cũng nhiều lần sang tác nghiệp tại Trung, Nam Lào. Những năm tháng ấy cho tôi vốn sống kha khá, đủ để hiểu về đời sống tinh thần, tình cảm và bản sắc của con người trên đất nước Triệu Voi”.
Tự nhận mình thuộc “tạng già mới viết được” nên dù ở tuổi 71 nhưng hằng ngày nhà văn Phạm Quang Đẩu vẫn miệt mài “cày cuốc” trên “cánh đồng” văn chương, báo chí. Đó là cách để ông nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo của mình như câu nói của nhà văn Nga nổi tiếng K. Pauxtopxki mà ông tâm đắc: “Tôi sống và làm việc, yêu, đau khổ, hy vọng, mơ ước, chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, trong tuổi trưởng thành hoặc thậm chí trong tuổi già, tôi sẽ viết. Tôi viết không phải vì đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy, mà bản chất tôi đòi hỏi phải như vậy. Và bởi vì văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới!”.