Diễn đàn Kinh tế phương Đông: Đẩy mạnh hợp tác khu vực
Thế giới - Ngày đăng : 07:17, 07/09/2019
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu tham dự phiên toàn thể Diễn đàn.
Tại sự kiện, hàng loạt vấn đề nhằm mở rộng hợp tác quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phát triển kinh tế vùng Viễn Đông của Nga đã được đưa ra thảo luận.
Vùng Viễn Đông là nơi có trữ lượng khổng lồ về dầu khí, than đá và các loại khoáng sản khác, đồng thời chiếm tới 70% trữ lượng thủy sản của Nga và được coi là "kho báu" của quốc gia này. Tuy nhiên, đây là vùng có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, không thuận lợi cho hoạt động trao đổi, lưu thông hàng hóa.
Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quan tâm tới việc khai thác khu vực giàu tiềm năng song còn chưa phát triển này. Do đó, kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015 với mục đích thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng Viễn Đông, Diễn đàn EEF đã nhanh chóng tạo được sức hút lớn đối với các nước trong khu vực và trên toàn cầu. Tại sự kiện năm 2018, đã có 220 thỏa thuận và hợp đồng với tổng giá trị hơn 45 tỷ USD được ký kết.
Với dấu mốc kỷ niệm 5 năm thành lập, chương trình nghị sự của diễn đàn tập trung trao đổi các giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường cơ hội hợp tác giữa Viễn Đông với châu Á - Thái Bình Dương và các giải pháp mới nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong nhiệm kỳ thứ tư của Tổng thống V.Putin, xu hướng hội nhập với châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được Nga thúc đẩy thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các nước lớn ở khu vực (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...), đồng thời nâng cấp quan hệ với ASEAN lên Đối tác chiến lược và thiết lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số thành viên ASEAN. Đây không chỉ là cơ hội, thị trường mới để xuất khẩu năng lượng mà còn là một phần trong kế hoạch của xứ sở Bạch dương nhằm thu hút đầu tư để phát triển vùng Viễn Đông.
Đặc biệt, EEF 2019 diễn ra vào thời điểm lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu xuất phát từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, Mátxcơva càng cần thể hiện vai trò là một chủ thể tích cực và quan trọng trong một môi trường đa phương đầy biến động, góp phần định hình các triển vọng hợp tác và tăng cường liên kết cùng có lợi.
Phát biểu tại phiên toàn thể, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh với tư cách là cường quốc Á - Âu lớn nhất, nước Nga quan tâm và ủng hộ sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và luôn sẵn sàng đối thoại công bằng, dựa trên cơ sở song phương, đa phương theo các kênh như Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)... Nhà lãnh đạo xứ sở Bạch dương cũng mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia vào các dự án chung với doanh nghiệp Nga, làm sâu sắc thêm quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Khi Mátxcơva vẫn đang chịu những tác động tiêu cực từ các biện pháp gây sức ép về kinh tế và ngoại giao của phương Tây, việc dành nhiều sự chú ý tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đẩy mạnh chính sách hướng Đông không phải mới song lại có ý nghĩa quan trọng. Sự phát triển vùng Viễn Đông, bao gồm tăng cường các tiềm lực về đổi mới và kinh tế cũng như nâng cấp mức sống của người dân được xác định là ưu tiên quốc gia của nước này.