Cung cấp dịch vụ y tế chất lượng ngày càng tốt hơn cho người dân
Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 08/09/2019
Xây dựng hệ thống bệnh viện thông minh
- Nằm trên địa bàn tập trung các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, việc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đưa vào sử dụng máy Pyrexar BSD-2000 công nghệ 3D hỗ trợ điều trị ung thư đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, có phải là cách để ngành Y tế Thủ đô khẳng định mình, “giữ chân” người bệnh không, thưa ông?
- Đúng vậy! Nằm trên địa bàn có quá nhiều bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, nếu các bệnh viện của Hà Nội không phục vụ tốt, không có kỹ thuật tốt thì không thể thu hút được bệnh nhân. Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã tập trung tìm những hướng đi đột phá, trong đó tập trung vào 3 khâu: Cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển những kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, thậm chí triển khai nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trung ương. Trong đó, có một số lĩnh vực thế mạnh như: Sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình…
Việc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đưa vào sử dụng máy Pyrexar BSD-2000 (3D), góp thêm một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho liệu trình điều trị ung thư đạt hiệu quả. Việt Nam là quốc gia thứ 5 trên thế giới triển khai sử dụng thiết bị này vào điều trị. Trước đó, trong tháng 7-2019, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã sử dụng robot phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống và trở thành bệnh viện thứ hai, sau Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, áp dụng kỹ thuật cao này.
- Những dẫn chứng trên cho thấy, các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đang bắt kịp xu thế phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy, xin ông cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến ngành Y tế Thủ đô như thế nào trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân?
- Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh tới sự phát triển của xã hội hiện đại, ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực y tế. Các bệnh viện và cơ sở y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực chuyên môn cũng như quản lý y tế, kinh tế, thuốc, vật tư tiêu hao, theo dõi người bệnh và đem lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã áp dụng hệ thống đăng ký khám bệnh tự động bằng thẻ từ. Bệnh nhân sử dụng thẻ từ không phải xếp hàng chờ lấy số đến lượt khám, mà chỉ mất từ 3 đến 5 giây quẹt thẻ.
Ngoài ra, bệnh viện còn tiến tới không dùng sổ khám bệnh bằng giấy, nhờ ứng dụng nhận diện vân tay. Những bệnh nhân đã từng đến khám sau khi quét vân tay thì hệ thống sẽ hiển thị các thông tin cá nhân, lịch sử khám, chữa bệnh và hỗ trợ đăng ký khám. Ứng dụng này còn giúp quản lý tốt hồ sơ bệnh án cũng như ngăn chặn việc lạm dụng bảo hiểm y tế. Còn Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã thực hiện thí điểm kết nối máy chụp chẩn đoán hình ảnh với hệ thống quản lý của bệnh viện. Đây là hệ thống không phim, giúp bác sĩ ngồi tại phòng khám có thể xem ảnh chụp của bệnh nhân trên máy tính và đọc kết quả…
- Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bệnh viện chưa sử dụng bệnh án điện tử, vẫn áp dụng bệnh án giấy. Xin ông cho biết, đến bao giờ thì việc ứng dụng công nghệ thông tin mới được triển khai đồng bộ?
- Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông việc cung ứng thuốc tại 100% nhà thuốc và 95% quầy thuốc trên địa bàn. Đây là giải pháp giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá thuốc; đồng thời giúp cơ quan chức năng có thêm công cụ quản lý thuốc, kiểm soát việc kê đơn và mua bán thuốc theo đơn, kịp thời thu hồi thuốc bị đình chỉ lưu hành… Còn tại các bệnh viện, cơ sở y tế, chúng tôi đang tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm cơ sở dữ liệu đồng bộ. Từ đó, hướng tới xây dựng hệ thống bệnh viện thông minh, sử dụng các ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động, giúp việc quản lý, quy trình khám, chữa bệnh trở nên nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả, giảm phiền hà cho người bệnh.
Thực hiện hàng loạt đổi mới
- Theo ông, sự phát triển của ngành Y tế Thủ đô đã thực sự đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh của người dân hay chưa?
- Thời gian qua, với sự đầu tư đồng bộ, chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các bệnh viện đã chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, phối hợp với các đơn vị y tế tuyến trung ương, các bệnh viện uy tín trên thế giới để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Nhờ đó, người dân ngày càng tin tưởng vào ngành Y tế Thủ đô.
Sở Y tế đã tiến hành khảo sát 67 bệnh viện trong và ngoài công lập để đánh giá sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế; kết quả, có 84,2% người bệnh ngoại trú hài lòng, rất hài lòng và tỷ lệ này ở bệnh nhân nội trú là 91,36%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có gần 390.000 lượt người bệnh điều trị nội trú (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018); số bệnh nhân điều trị ngoại trú là hơn 600.000 lượt (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2018). Trong năm 2019, ngành Y tế Hà Nội có 12.685 giường bệnh, tăng 420 giường so với năm trước.
- Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, song chưa đồng đều ở các tuyến. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ thuật cao ưu tiên cho các bệnh viện tuyến thành phố. Ông nghĩ sao về nhận định đó?
- Những người còn băn khoăn xin hãy đến các bệnh viện tuyến huyện, như: Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh, Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn… xem y tế tuyến huyện đã thay đổi ra sao. Không chỉ phòng ốc khang trang, sạch sẽ, phòng chờ có quạt mát, nước uống, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn..., hiện 100% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến… Thậm chí, một số bệnh viện tuyến huyện còn có thể cấp cứu kịp thời những ca nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, ngành Y tế Thủ đô còn đầu tư nâng cấp điều kiện khám, chữa bệnh tại các trạm y tế bằng cách sửa chữa cơ sở vật chất, bố trí lại các phòng chuyên môn; bổ sung trang thiết bị y tế và cung ứng đầy đủ danh mục thuốc tương đương với cơ sở y tế tuyến trên...
- Thầy thuốc thời đại 4.0 đôi lúc có thể không cần dùng hết bốn thủ pháp thăm khám cổ điển (nhìn, sờ, gõ, nghe), thay vào đó là các chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm. Ông có cho rằng, mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh có bớt gần gũi, thân thiện?
- Công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là sản phẩm của con người. Dù nó hoạt động rất hiệu quả, nhưng vẫn không thay thế được con người, đặc biệt là về vấn đề tâm lý tiếp xúc. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng các thiết bị hiện đại, bằng trình độ, năng lực chuyên môn, mà còn bằng cả tấm lòng, trách nhiệm đối với người bệnh. Thực hiện tốt những vấn đề về y đức và y nghiệp, cả bệnh nhân và bệnh viện đều có lợi. Bởi, bệnh nhân không chỉ cần chữa bệnh bằng thuốc, mà còn cần được chia sẻ, động viên từ người thầy thuốc. Đã đến lúc bệnh viện phải xác định bệnh nhân là khách hàng, việc phục vụ phải nhiệt tình, chu đáo. Mỗi bác sĩ phải biết cảm ơn người bệnh, bởi người bệnh đã cho mình cơ hội phát triển chuyên môn, gắn bó với nghề.
- Để xây dựng cơ sở y tế thân thiện, cán bộ y tế hết lòng vì người bệnh, cần hướng đến điều gì, thưa ông?
- Trong giai đoạn hiện nay, người thầy thuốc phải không ngừng học tập, rèn luyện để có kiến thức và tay nghề phù hợp với trình độ khoa học tiên tiến. Người thầy thuốc cũng không được hoàn toàn ỷ lại vào công nghệ, không được lạm dụng kỹ thuật cao, chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Dù là thiết bị, máy móc hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế cái mà chúng ta gọi là “nhạy cảm lâm sàng”.
Chính sự tiếp xúc đối diện giữa thầy thuốc và người bệnh mang lại một tình cảm gần gũi, tin tưởng. Hiện, ngành Y tế Thủ đô đang tiếp tục thực hiện hàng loạt các biện pháp đổi mới, như: Đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ; đổi mới về quản lý, cách làm và đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ. Từ nay đến cuối năm, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn tại các bệnh viện, hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc và các tai biến xảy ra do sai sót về chuyên môn. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường…
- Trân trọng cảm ơn ông!