Vươn tới kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á
Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 08/09/2019
Nền tảng văn hóa - nguồn lực sáng tạo
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra mắt từ năm 2004, nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các thành phố được công nhận là thành phố sáng tạo, từ đó có sự chia sẻ, hỗ trợ nhau để ngày một lớn mạnh hơn. Đến nay, mạng lưới đã ghi danh 180 thành phố ở 72 quốc gia trên thế giới. Thành phố Hà Nội đã chọn lĩnh vực thiết kế, một trong 7 lĩnh vực sáng tạo được UNESCO đề ra, làm cơ sở tham gia ứng cử. Tại Đông Nam Á, Hà Nội là thành phố đầu tiên ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế.
Là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ ứng cử, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, dù thành phố có thế mạnh ở nhiều lĩnh vực, song quyết định chọn thiết kế, mà cụ thể là thiết kế không gian văn hóa, bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại. “Thiết kế cũng là lĩnh vực có nhiều cơ hội trong tiến trình hội nhập, cho thấy Hà Nội tham gia mạng lưới với khát vọng vươn lên bằng sức sáng tạo cũng như tăng cường kết nối giao lưu quốc tế”, bà Phạm Thị Lan Anh chia sẻ.
Trên thực tế, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, nơi sở hữu hệ thống di sản dày đặc, cơ sở hạ tầng văn hóa phong phú và mạng lưới làng nghề trải khắp từ đô thị tới thôn quê. Đây cũng là trung tâm nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sức sáng tạo của hàng nghìn nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà đổi mới khoa học, công nghệ... Tất cả điều đó góp phần tạo đà cho sự sáng tạo phát triển trên nền tảng, nguồn lực văn hóa của Thủ đô. Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 170 bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, gallery và 70 không gian sáng tạo đa lĩnh vực, phục vụ cho việc thực hiện, phổ biến các thiết kế sáng tạo. Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã tổ chức hàng trăm hội chợ, hội nghị, hội thảo khoa học, chương trình giao lưu hợp tác liên quan tới lĩnh vực thiết kế sáng tạo; hàng trăm lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật… hướng tới công chúng, cũng như từng đối tượng khán giả cụ thể.
Hà Nội cũng có hàng loạt dự án, chương trình lớn thúc đẩy sáng tạo, tác động sâu rộng vào đời sống văn hóa, tăng cường hợp tác, hỗ trợ giữa các chủ thể khác nhau vì chất lượng cuộc sống, góp phần tạo nên không khí sáng tạo văn hóa bao trùm thành phố. Tiêu biểu như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tinh hoa làng nghề Việt Nam, Hợp tác xã Vụn Art, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, con đường gốm sứ, Phố sách Hà Nội… Giám đốc dự án Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì được chọn là một trong những cái tên giới thiệu trong hồ sơ ứng cử. Không chỉ cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật, Vụn Art còn góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường thông qua việc tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa. Đây chính là những lợi ích mà sáng tạo mang lại, phù hợp với tiêu chí UNESCO đề ra”.
Điểm đến của tri thức và sáng tạo
Với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu văn hóa có uy tín, hồ sơ ứng cử của Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được xây dựng trên cơ sở khoa học, tổng hợp các giá trị, kết quả đạt được trong sáng tạo thiết kế. Hà Nội cũng đã vạch ra kế hoạch hành động những năm tiếp theo, nhằm tiếp tục sử dụng sáng tạo như một động lực phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật, giáo dục…
Có thể kể đến các sáng kiến sẽ được hiện thực hóa, như: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ; diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á… Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những phần việc được Hà Nội hoạch định với lộ trình cụ thể sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục nâng tầm trong thời gian tới, góp phần đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Để làm được điều này, bên cạnh việc thực hiện các cam kết nêu trong hồ sơ ứng cử, thành phố cũng cần có chiến lược cụ thể về truyền thông và phát triển thương hiệu toàn diện để kết nối thế hệ trẻ với nhịp đập văn hóa và sáng tạo trong và ngoài thành phố; qua đó thúc đẩy sự tham gia của công chúng; nâng cao nhận thức về mạng lưới và các mục tiêu của mạng lưới, đồng thời liên kết Hà Nội với các thành phố sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô, cần xác định tầm nhìn và tạo khâu đột phá cho sự phát triển, lấy văn hóa làm nền tảng, “sức mạnh mềm” để phát triển bền vững. Trong đó, định hướng xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Hà Nội cất cánh lên tầm cao mới.
Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là tổ hợp các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược của phát triển bền vững, trong đó mỗi thành phố cần có ít nhất 1 trong 7 thế mạnh thuộc lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc. Với lĩnh vực sáng tạo thiết kế, các thành phố được thông qua hồ sơ ứng cử cần bảo đảm các tiêu chuẩn như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; mang đến nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ việc tận dụng nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có các nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên...