Bệnh viện giảm thiểu rác thải nhựa: Ưu tiên "vật dụng thân thiện"
Xã hội - Ngày đăng : 08:40, 09/09/2019
Vì lợi ích cộng đồng
Thực hiện Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29-7-2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, 4 nhà thuốc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đồng loạt đưa vào sử dụng túi đựng thuốc bằng giấy, thay thế túi ni lông. Các túi này được thiết kế với 3 kích thước khác nhau.
Bước ra từ nhà thuốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác Nguyễn Văn Tuấn (63 tuổi, ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi lần đầu tiên được bệnh viện phát thuốc đựng trong túi giấy. Việc làm này vô cùng thiết thực, nên được nhân rộng ở nhiều bệnh viện khác, các lĩnh vực khác, nhất là ở chợ, siêu thị - nơi tiêu thụ một khối lượng túi ni lông khổng lồ”.
Còn với chị Dương Thị Dung (28 tuổi, ở phố Kim Mã, quận Ba Đình) thì mong hoạt động này được duy trì bền vững tại khắp các bệnh viện, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường…
Dược sĩ Hà Quang Tuyến, Phụ trách Khoa Dược (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, với việc chuyển đổi từ túi ni lông sang sử dụng túi giấy, trung bình mỗi tháng bệnh viện phải bỏ ra khoản chi phí khoảng 75 triệu đồng. Hiện số tiền này được trừ vào tiền lương của 40 cán bộ, nhân viên y tế, song bệnh viện vẫn quyết tâm thực hiện, vì tương lai, vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, khi triển khai giai đoạn đầu, khó khăn nhất lại không phải ở vấn đề kinh phí, mà phải giải thích cho bệnh nhân hiểu để họ đồng thuận tham gia. “Người dân đang quen sử dụng túi ni lông có thể xách, treo mang đi tiện lợi, trong khi túi giấy không có quai đeo nên không có được sự tiện lợi như vậy”, dược sĩ Hà Quang Tuyến cho biết thêm.
Tương tự, Bệnh viện K cũng đang triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa. Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện K) cho biết, trung bình một tháng, bệnh viện tiêu thụ gần 1 tấn túi ni lông đựng rác. Để hạn chế những tác động xấu tới môi trường, bệnh viện đang xây dựng quy trình đấu thầu, để tới đây thay thế sử dụng túi ni lông khó phân hủy bằng túi đựng rác y tế tự hủy sinh học.
Hiện tại, trong các suất ăn hằng ngày cung cấp cho người bệnh, bệnh viện đã không dùng các loại cốc nhựa, bát và hộp nhựa dùng một lần, mà thay thế bằng đồ có thể tái sử dụng.
Còn tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Tim Hà Nội…, bắt đầu từ tháng 8-2019, trong các cuộc họp bệnh viện đã đổi từ ly nhựa sang dùng ly giấy hoặc ly thủy tinh, thay thế nước đóng chai bằng nước trà hoặc bình nước pha sẵn...
Tránh “đánh trống, bỏ dùi”
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt bệnh nhân và trên 300 triệu lượt người khám ngoại trú. Mỗi bệnh nhân thường đi kèm 1-2 người nhà, nên lượng rác thải rất lớn. Báo cáo nhanh từ một số bệnh viện cho thấy, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, tương đương khoảng 22 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn. Nếu thực hiện cùng một lúc bỏ các vật dụng từ nhựa là không thể, nhất là trong y tế có nhiều loại vật dụng bằng nhựa chưa có giải pháp thay thế.
Hơn nữa, việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa cũng là một khó khăn không nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Dù vậy, việc giảm thiểu và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa là việc làm không thể chậm trễ. Trước mắt, các đơn vị cần nghiên cứu, xem xét các giải pháp để giảm thiểu tối đa chất thải nhựa…
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để giảm thiểu chất thải nhựa đạt hiệu quả, cần sự chung tay của cộng đồng. Đối với các bệnh viện trực thuộc, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tăng cường truyền thông về nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Muốn giảm thiểu rác thải nhựa, các cơ sở y tế phải tuân thủ thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, nhất là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý đúng quy trình.
Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế bao bì ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy.
Để không rơi vào tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, tới đây, các bệnh viện phải đưa việc giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT, song để triển khai thực hiện thì phải có cam kết mạnh mẽ.
Cụ thể, các đơn vị trực thuộc bộ, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế phải ký cam kết với Bộ trưởng; giám đốc bệnh viện ký cam kết với các khoa, phòng; rồi từng trưởng khoa lại ký cam kết với nhân viên y tế… về việc hạn chế tối đa các dụng cụ nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy...