Nóng: Gay gắt tranh luận việc giảm giờ làm từ 48 xuống 44 giờ/tuần
Đời sống - Ngày đăng : 15:36, 10/09/2019
Dự kiến, tại kỳ họp thứ tám vào tháng 10-2019, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Luật Lao động năm 2012 sửa đổi. Giờ làm việc trong tuần là một trong nhiều nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Luật đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là đại diện người sử dụng lao động và người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đảm bảo tái tạo sức lao động
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
Đồng thời, việc giảm giờ làm cũng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để người lao động chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Trong khi đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước (Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg, ngày 17-9-1999, của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ).
“Sau 20 năm, quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Quy định này đã tạo ra khoảng cách, sự phân biệt lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và người lao động khu vực ngoài nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết.
Doanh nghiệp: Giảm sức cạnh tranh, tăng chi phí
Không đồng tình với việc giảm giờ làm trong tuần, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, phân tích: “Tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào đều là 48 giờ/tuần”.
Dẫn chứng về việc Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, không có lý do gì để Việt Nam cắt giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44 giờ.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam phân tích, lương tối thiểu và chi phí lao động của Việt Nam hiện đã cao hơn Bangladesh và Ấn Độ. Trong khi đó, các quốc gia này đều có thế mạnh về dệt may xuất khẩu.
Nếu giảm giờ làm trong tuần, ông Nguyễn Xuân Dương lo ngại doanh nghiệp sẽ giảm sức cạnh tranh và có nguy cơ phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu giảm giờ làm, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đời sống của người lao động với “trần” giờ làm việc 44 giờ/tuần sẽ khác với “trần” 48 giờ/tuần.
Ban soạn thảo: Lời giải không dễ
Trao đổi với báo giới, ông Doãn Mậu Diệp - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Trưởng ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động 2012 cho biết, Ban soạn thảo đang đánh giá việc có nên giảm giờ làm từ 48 xuống 44 giờ vào lúc này là hợp lý hay chưa. Và để quyết định được phương án cuối cùng cần phải tính toán nhiều vấn đề liên quan.
Phân tích về điểm "được" và "mất", ông Doãn Mậu Diệp cho biết: “Nếu giảm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, sức khỏe người lao động sẽ được nâng cao, tiền lương của người lao động sẽ tăng lên do làm thêm giờ lương cao hơn, năng suất lao động/giờ của người lao động cũng tăng”.
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban soạn thảo cũng cho biết: “Việc giảm giờ làm cũng sẽ tỷ lệ nghịch với năng suất lao động/tuần hoặc năm, tỷ lệ nghịch với chi phí và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng GDP và thu ngân sách, cũng như các mục tiêu xã hội. Trong khi đó, năng suất lao động của chúng ta đang thấp trong khu vực”.
Vậy giải quyết sự khác biệt về quyền lợi như trên ra sao?
Ông Doãn Mậu Diệp cho biết, Ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến nhiều bên, các chuyên gia để tìm ra một lời giải hợp lý nhất: “Lời giải đó sẽ theo hướng hài hoà các mối quan hệ trên và các bên cùng thắng chứ không phải đáp ứng được một bên và 'hy sinh' quyền lợi bên kia”.
“Đối với người lao động, giờ làm việc là thời gian tối đa họ có thể làm việc và cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân, gia đình. Với doanh nghiệp, đây là cơ sở để kế hoạch hoá việc tuyển dụng và sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh. Giờ làm việc còn là một trong những căn cứ để hai bên thỏa thuận tiền lương, phúc lợi. Nhìn xa hơn, nhà nước cũng căn cứ vào đó để phát triển nhân lực, phát triển các mục tiêu kinh tế xã hội” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.