Cần cơ chế khuyến khích mới
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:26, 10/09/2019
Trước thực trạng này, thời gian qua, UBND thành phố đã triển khai một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn tại các huyện: Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Oai. Đồng thời, thành phố kêu gọi đầu tư 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín và hệ thống xử lý nước thải của 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề khác.
Dù đã cố gắng, nhưng việc xử lý ô nhiễm làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, do cần kinh phí lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn. Cùng với đó, việc huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn chưa hiệu quả vì chi phí đầu tư vào lĩnh vực này lợi nhuận thấp, nên các doanh nghiệp không mặn mà.
Trả lời chất vấn về vấn đề này tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố đã đề nghị HĐND thành phố xem xét giao UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư vào các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Đồng thời, HĐND thành phố phân bổ ngân sách hằng năm không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề của thành phố, theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trước những khó khăn trong đầu tư các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, đề nghị của UBND thành phố là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông; tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý môi trường trong việc phổ biến, hướng dẫn và giám sát các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...