Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về giảm nghèo
Chính trị - Ngày đăng : 19:57, 10/09/2019
Trình bày báo cáo giám sát, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được chia thành hai giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020. Kinh phí ngân sách trung ương bố trí cho giai đoạn 2012-2018 là hơn 47.411 tỷ đồng. Kinh phí từ ngân sách địa phương là hơn 8.378 tỷ đồng. Ngoài ra còn có kinh phí huy động từ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế; các nguồn lực khác…
Theo báo cáo giám sát, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, với khoảng 25.000 công trình hạ tầng được xây dựng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện…
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chung nhận định, việc lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát rất đúng và trúng, đồng thời đánh giá cao chất lượng báo cáo của Đoàn giám sát.
Cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, nhưng Đoàn giám sát cần thống kê số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới để có bức tranh đầy đủ hơn. Nêu thực trạng việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ cận nghèo còn nhiều, hộ tái nghèo còn cao; có nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung tích hợp các chính sách để trong 3 năm tới giúp bà con vươn lên.
“Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết về việc giám sát chuyên đề này. Sắp tới, Quốc hội có 3 việc phải làm: Phê duyệt đề án tổng thể về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở tích hợp lại 118 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2018; bố trí nguồn lực thực hiện đề án; giám sát việc tổ chức thực hiện đề án. Trong khi đó, Chính phủ cần tập trung xây dựng đề án, chú ý tới đời sống văn hóa tinh thần của bà con”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã nhất trí chủ trương sẽ ban hành nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.