Chế biến nông sản trên địa bàn Hà Nội: Vì sao vẫn lạc hậu?
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:19, 11/09/2019
Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất chú trọng đầu tư cơ sở chế biến, nhưng còn nhiều vướng mắc. Theo bà Lưu Thị Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Smart Agri Việt Nam, công ty đang bán các loại rau, củ, quả: Thanh long, vải, nhãn, cà chua... nhưng dưới dạng thô hoặc qua sơ chế, chưa tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nên giá trị còn thấp. Trong khi đó, thị trường đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm chế biến tinh.
Còn theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Hiền, công ty muốn mở rộng cơ sở chế biến các sản phẩm từ thịt lợn như: Thịt nguội, xúc xích... nhưng do nguồn vốn để đầu tư nhà xưởng tương đối lớn, cùng với đó là đội ngũ nhân viên có tay nghề còn yếu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nói rõ hơn về những khó khăn của cơ sở chế biến nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, toàn thành phố có 17.205 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có khoảng 1.000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Hà Nội đã có một số cơ sở chế biến nông sản lớn như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì); nhà máy chế biến thực phẩm xúc xích của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ)...
Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến nông sản phần lớn nhỏ lẻ, gần 80% là chế biến thô, công suất chỉ đạt 5-10% sản lượng nông sản. Nguyên nhân là phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thiếu vốn để đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất...
Đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VietRAP Vũ Thị Vân Phượng cho rằng, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung phát triển các loại cây, con gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm và chế biến được nhiều mặt hàng chất lượng. Các sở, ngành tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường... nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về triển khai cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, thành phố sẽ hình thành từ 1 đến 3 cơ sở, khu chế biến nông sản, trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản; xây dựng dự án, kế hoạch hình thành phát triển trung tâm dây chuyền chiếu xạ tập trung, bảo quản nông, lâm, thủy sản tại các huyện, thị xã: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thường Tín, Sơn Tây, Đông Anh... Đến năm 2020 sẽ có 20% số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO...
Bên cạnh đó, thành phố hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để đạt mục tiêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay: "Đi đôi với tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, thành phố khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để ngành chế biến nông sản phát triển như định hướng đề ra".