79 đơn vị trực thuộc ngành Y tế Hà Nội đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính
Chính trị - Ngày đăng : 14:38, 11/09/2019
Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, Sở Y tế đã quán triệt đầy đủ các nội dung tới cán bộ, công chức, lao động của ngành. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện tốt tiêu chí “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, đổi mới thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Từ đó, các đơn vị trong toàn ngành đã duy trì trực đường dây nóng, xây dựng thái độ, phong cách văn minh, thân thiện; niêm yết công khai giờ làm việc, phân công các tổ luân phiên đến sớm và về muộn hơn thời gian khám bệnh ít nhất 30 phút để tiếp đón người bệnh, giải quyết hết người bệnh trong ngày.
Từ năm 2016 đến nay, tổng số thủ tục hành chính của ngành bãi bỏ là 122/332 thủ tục; đã giảm 50% thời gian cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Đặc biệt, từ ngày 1-6-2018, qua triển khai dịch vụ công mức độ 3, Sở tiếp tục giảm thời gian cấp chứng chỉ hành nghề từ 30 ngày xuống còn 10 ngày. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng chung của ngành đạt tổng điểm trung bình 4,41 và tỷ lệ người bệnh nội trú đánh giá hài lòng chung đạt 95,18%.
Về cải cách tài chính công, hiện nay, Sở Y tế có 79 đơn vị trực thuộc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Hầu hết các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, bố trí đúng vị trí việc làm, qua đó phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ y tế trong thực hiện nhiệm vụ.
“Cải cách hành chính bao trùm hầu hết các lĩnh vực, hoạt động của ngành Y tế và Sở cũng chọn khâu đột phá là nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, trước mắt là công tác tiếp đón tại các khoa khám bệnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng phục vụ bệnh nhân, dù đã có chuyển biến rõ rệt, nhưng do diện tích chật hẹp, trang thiết bị thiếu tính đồng bộ, biển bảng hướng dẫn còn thiếu… đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cải cách hành chính ở một số đơn vị. Đặc biệt, việc ứng dụng tin học là yếu tố quan trọng trong cải cách hành chính, nhưng do điều kiện kinh tế và trình độ cán bộ một số đơn vị còn hạn chế, nên chưa khai thác hiệu quả lĩnh vực này” - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết.
Sau trao đổi của thành viên trong đoàn kiểm tra và đại diện lãnh đạo một số bệnh viện thuộc thành phố, kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá cao ngành Y tế Hà Nội thời gian qua đã bứt phá đứng đầu một số chuyên khoa như tim mạch, phụ sản, tiêu hóa…, cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh, bước đầu lấy lại niềm tin của người dân Thủ đô. Đến nay, hầu hết cơ sở vật chất các bệnh viện đều được đầu tư hiện đại; chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề bác sĩ, điều dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng ghi nhận, Sở đã sớm quán triệt đến các đơn vị trực thuộc và định kỳ kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung; tổ chức sắp xếp lại bộ máy, xây dựng xong nội quy, quy chế, mô tả vị trí việc làm, quy trình thủ tục hành chính, tạo đột phá để cải cách hành chính.
Nhận định ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện cải cách hành chính nhưng chưa toàn diện, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Y tế phải cải cách thủ tục hành chính ngay trong chính nội bộ của ngành, tăng cơ chế tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa để giảm áp lực tài chính đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị. Bên cạnh đó, Sở cần rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chuyển sang quản lý hồ sơ bệnh nhân trên mạng internet.
“Muốn cải cách hiệu quả, thiết thực hơn nữa, mỗi cán bộ, mỗi bộ phận phải thuộc lòng các quy trình thủ tục, rà soát, nghiên cứu rồi từ đó mạnh dạn đề xuất cắt giảm, bỏ những thủ tục không cần thiết”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục quan tâm, nâng cao bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, để từng cá nhân biết quy trình công việc của mình, chuyên môn phải đạt tới thành thục, tác phong chuyên nghiệp, với đúng tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân là trung tâm phục vụ”. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, Sở cần cung cấp kiến thức về quản lý nhân sự, kinh tế cho các cán bộ quản lý.
Nhấn mạnh công nghệ thông tin sẽ thay đổi cục diện phương pháp làm việc, quản lý và chất lượng khám, chữa bệnh, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới “y tế thông minh”; phát động phong trào “lương y như từ mẫu”, coi bệnh nhân như người thân của mình, để tiến tới bệnh nhân không cần người thân khi đến bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo…