Khám sức khỏe định kỳ giúp phòng bệnh hiệu quả
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:14, 12/09/2019
Giảm biến chứng, hạn chế tử vong
Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, gout, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... hiện chiếm tỷ lệ cao và là gánh nặng bệnh tật lớn nhất ở Việt Nam. Giải pháp đầu tiên để phòng những bệnh này là tăng cường quản lý sức khỏe cá nhân, khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời nhằm giảm biến chứng, hạn chế tử vong, đồng thời tiết kiệm chi phí điều trị.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, với các nhóm bệnh khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn như với nhóm bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, biểu hiện bệnh thường rầm rộ nên bệnh nhân thường hay đi thăm, khám ngay khi bị bệnh. Nhưng nhóm bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, huyết áp, đái tháo đường.... thường diễn biến âm thầm.
Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm bệnh là hết sức cần thiết, giúp việc chữa trị hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ còn giúp mỗi người có cái nhìn tổng quan về sức khỏe, qua đó điều chỉnh chế độ ăn uống, dinh dưỡng, lối sống, phương pháp làm việc phù hợp.
Bệnh ung thư - tầm soát sớm vô cùng quan trọng
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ngay cả khi cơ thể cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, điều đó không có nghĩa là không có nguy cơ mắc căn bệnh nào đó. Đặc biệt, với bệnh ung thư, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả, thậm chí khỏi bệnh.
Song, đáng chú ý là có đến hơn 70% trường hợp ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị vô cùng khó khăn. Với bệnh ung thư nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoặc phẫu thuật bảo tồn mà không cần phải áp dụng các biện pháp khác. Ở giai đoạn sớm điều trị hiệu quả tối ưu có thể khỏi được mà chi phí lại thấp nhất.
Trong quá trình khám, chữa bệnh, PGS.TS Phạm Cẩm Phương còn gặp khá nhiều trường hợp đáng tiếc. Chẳng hạn, có trường hợp, khi bệnh nhân sờ thấy khối bất thường ở vú, họ đã đến khám và được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn đầu và có thể chữa khỏi.
Tuy nhiên, bệnh nhân không nghe theo lời khuyên của bác sĩ, thay vào đó lại tìm đến thầy lang đắp thuốc lá. Hậu quả là 6 tháng sau, khối u ở vú đã lan rộng và không thể phẫu thuật... Câu chuyện trên cho thấy, việc tầm soát, khám bệnh định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với độ tuổi để tầm soát bệnh ung thư thì không giới hạn lứa tuổi nào. Tuy nhiên, những trường hợp sau đây nên tầm soát sớm ung thư: Những người trưởng thành, đặc biệt là trên 40 tuổi; người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu nhiều; người mắc các bệnh lý viêm gan B, C, viêm dạ dày, đại tràng; những người có yếu tố di truyền khi trong gia đình có người mắc bệnh ung thư...
Ngoài ra, khi thấy có các dấu hiệu bất thường như sụt cân không rõ nguyên nhân, ho kéo dài, trướng bụng, đầy hơi thường xuyên, thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện, khó nuốt... nên đi tầm soát ung thư.
Khám sức khỏe định kỳ thế nào là đúng và đủ?
Trên thực tế, hiện có rất ít người hiểu rõ về các gói khám sức khỏe định kỳ và tổng quát. Thậm chí, họ không biết nên lựa chọn gói khám nào. Vấn đề đặt ra là nhiều người không được bác sĩ tư vấn cụ thể để biết với tuổi của họ thì cần khám những gì, khám thế nào là đúng và đủ.
Về vấn đề này, PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều cần làm là tìm đến một bác sĩ có chuyên môn ở bệnh viện uy tín và trình bày về tình trạng sức khỏe hiện tại cùng những biểu hiện bất thường.
Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể để người đến khám biết nên kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu liên quan tới những bộ phận nào trong cơ thể. Những trường hợp chưa có triệu chứng bệnh thì nên thực hiện các xét nghiệm thăm dò như: Siêu âm ổ bụng tổng quát; siêu âm tuyến giáp, tuyến vú, khám sản phụ khoa (với nữ); siêu âm tinh hoàn và tuyến tiền liệt (với nam).
PGS.TS Kiều Đình Hùng khuyến cáo, thông thường định kỳ nên khám sức khỏe 1 năm/lần. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ cao mắc bệnh như tiền sử gia đình có người bị ung thư, bản thân đang mắc bệnh hay có khối u bất thường, thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia... thì nên đi khám từ 3-6 tháng/lần.
Cùng với việc khám sức khỏe định kỳ, điều quan trọng nhất là luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc tích cực vận động, tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế uống rượu và hút thuốc, giữ tinh thần lạc quan, yêu đời... Đó chính là “chìa khóa” cho một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.