Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019
Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 12/09/2019
Hội nghị do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Chuyên đề 1 có chủ đề “Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 - Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu".
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh tế toàn phần là mô hình tăng trưởng liên ngành toàn diện mà chính phủ các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi, hướng đến việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tiết kiệm nhiên liệu, nguyên vật liệu; đồng thời, kiến tạo và tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm, thành phẩm, bán thành phẩm của quá trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Tính hiệu quả và ưu việt của các mô hình kinh tế toàn cầu sẽ giúp nền kinh tế của các quốc gia tăng trưởng đồng đều và bền vững hơn so với mô hình kinh tế truyền thống.
Tại chuyên đề 2 về “Quan hệ đối tác công tư (PPP): Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, PPP là một hình thức đối tác phổ biến nhằm phát huy thế mạnh của cả khu vực công và khu vực tư cho phát triển, đặc biệt đối với những lĩnh vực mà trước đây thường nhấn mạnh vai trò của nhà nước.
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai các sáng kiến, mô hình kinh doanh liên quan, qua đó giúp các doanh nghiệp quan tâm đến mô hình PPP định hướng được những việc cần chuẩn bị để có thể triển khai thành công mô hình này.
“Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp nhà nước trong dài hạn” là chủ đề của hội thảo chuyên đề 3.
Ông Nguyễn Hồng Ngân, cán bộ truyền thông cấp cao của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực tại mỗi quốc gia có thể được nâng cao thông qua việc cải thiện các kỹ năng làm việc, kiến thức, thể lực và khả năng phục hồi. Thông qua đó, các quốc gia có thể sở hữu nguồn nhân lực có năng suất lao động cao, khả năng thích nghi tốt và sáng tạo hiệu quả hơn.