Hà Nội: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 14/09/2019
- Ông có thể cho biết chủ trương, định hướng của thành phố Hà Nội về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo? Những mục tiêu và giải pháp thực hiện là gì?
- Những năm gần đây, Chính phủ luôn coi khởi nghiệp sáng tạo là mục tiêu cấp quốc gia nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy các ý tưởng phát triển để có thể trở thành những startup.
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm lớn về khoa học, giáo dục; là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, có nhiều trường đại học, cao đẳng... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế. Đó là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Để trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, cũng như hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đơn cử, ngày 8-7-2019, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương ban hành Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội" nhằm hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của thành phố, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước.
Đề án nhằm hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Đồng thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.
- Vậy, theo ông một “startup” là như thế nào? Hiện nay, tỷ lệ startup trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là bao nhiêu?
- Theo tôi, khác với doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường, startup là đơn vị có tốc độ phát triển và tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng sáng tạo. Thông thường, startup luôn đối diện các yếu tố rủi ro, nhưng nếu vượt qua thách thức thì có thể gặt hái những giá trị to lớn.
Tỷ lệ startup trên địa bàn thành phố hiện nay mới chỉ đạt mức thấp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đột phá sáng tạo chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn.
- Đến nay, kết quả thực hiện hỗ trợ các startup ra sao?Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
- Từ năm 2016 đến nay, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã được đề cập rất nhiều trong các văn bản của Chính phủ như Nghị quyết 19/2016/NQ-CP (ngày 28-4-2016); Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16-5-2016)... Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 với nhiều quy định về đầu tư và hỗ trợ các startup. Theo đó, các startup được hỗ trợ các nội dung như: Ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo...
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã manh nha từ 15 năm trước. Đến nay, một số đơn vị đã vươn lên mạnh mẽ, tham gia các "sân chơi" quốc tế, giành được những thành tựu nhất định.
Tuy nhiên, đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Về chính sách thì chưa có chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gồm quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư mạo hiểm, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học...
Bên cạnh đó, thiếu các startup dựa trên nghiên cứu khoa học công nghệ để làm nền tảng có thể phát triển bền vững. Tại đa số vườn ươm, hoặc trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của Hà Nội, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ là doanh nghiệp đưa ra sản phẩm/dịch vụ trên nền tảng số, chứ chưa phải là các startup đúng nghĩa dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Tiếp theo, chưa có sự liên kết, kết nối giữa các bên gồm cơ sở nghiên cứu - startup - nhà đầu tư. Cùng với đó là sự thiếu vắng vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ hoạt động của các startup...
- Vậy, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai những giải pháp gì để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, thưa ông?
- Thành phố xác định mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước. Như đã nói ở trên, ngày 8-7-2019, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND thông qua chủ trương ban hành đề án và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025, với nhiều nội dung quan trọng.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ thực hiện hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho khởi nghiệp sáng tạo. Tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư. Đặc biệt, sẽ hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội trong tương lai gần...
- Trân trọng cảm ơn ông!