Thực hiện tốt chính sách đối với dân công hỏa tuyến
Đời sống - Ngày đăng : 08:09, 14/09/2019
Triển khai Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thạch Thất đã tiến hành khảo sát, lập danh sách và thông báo công khai, đồng thời thường xuyên rà soát nhằm tránh sai sót. Với những đối tượng không thể tự mình kê khai, bộ phận giúp việc các xã, thị trấn cử cán bộ đến tận nhà hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Kiều Hoàng Tuấn cho biết: “Với phương pháp này, gần 4 năm qua, huyện Thạch Thất đã tiếp nhận, xét duyệt 1.727 hồ sơ, trong đó có 1.303 người được hưởng trợ cấp một lần. Việc tổ chức trao quyết định, giấy chứng nhận và cấp chế độ cho các đối tượng đủ điều kiện được tiến hành trang trọng, tạo ấn tượng tốt”.
Để thực hiện tốt Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, thị xã Sơn Tây xác định trước hết phải phát huy tốt vai trò của cán bộ địa phương và người cao tuổi có thời gian công tác, làm việc cùng đối tượng chính sách. Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự thị xã Sơn Tây khẳng định: “Cán bộ địa phương và người có thời gian công tác cùng đối tượng từng tham gia dân công hỏa tuyến được huy động vào tổ tư vấn trực tiếp xét duyệt và chịu trách nhiệm trước ý kiến của mình về đối tượng chính sách. Nhờ đó, quá trình triển khai của thị xã Sơn Tây bảo đảm nhanh, gọn, hiệu quả với 324 đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp một lần, 105 đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế”.
Ông Nguyễn Xuân Đông (ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây) chia sẻ: “Tôi tham gia dân công hỏa tuyến với nhiệm vụ tải gạo từ thị xã Sơn Tây lên huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) phục vụ kháng chiến chống Pháp. Theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, tôi được hưởng trợ cấp một lần với số tiền gần 3 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng là món quà ý nghĩa động viên tôi lúc tuổi già”.
Ba Vì là huyện có nhiều người trong diện thụ hưởng theo Quyết định số 49/2015/ QĐ-TTg. Khó khăn mà những người làm công tác chính sách của huyện gặp phải là các đối tượng đã già yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nên phải rất cẩn thận, chặt chẽ trong quá trình triển khai. Thượng tá Ngô Quý Tuệ, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì cho biết: “Vượt lên khó khăn, chúng tôi xác định phải cụ thể hóa bằng kế hoạch với mục tiêu, nhiệm vụ theo từng năm, từng giai đoạn để thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng”. Đến nay, huyện Ba Vì đã giải quyết được 1.354 hồ sơ mà không có đơn thư khiếu nại.
Khảo sát ban đầu, toàn thành phố có 18.403 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, nhiều trường hợp không còn giấy tờ, tuổi cao trí nhớ kém. “Với tinh thần quyết tâm cao, sau gần 4 năm thực hiện quyết định này, toàn thành phố đã xét duyệt được 18.467 đối tượng, đạt 100,34% so với khảo sát, trong đó có 9.422 người còn sống, 9.045 người đã từ trần. Tổng số tiền chi trả trợ cấp một lần là hơn 38,8 tỷ đồng”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 4.244 đối tượng, giải quyết chế độ mai táng phí cho 388 đối tượng với số tiền trên 5 tỷ đồng. Các địa phương làm tốt công tác này là: Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sơn Tây… Hiện tại, toàn thành phố còn khoảng trên 6.000 người là dân công hỏa tuyến nhưng chưa được giải quyết hưởng chế độ do mất giấy tờ. Với những trường hợp này, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, lập hồ sơ xét duyệt, đề xuất cơ chế đặc thù để sớm giải quyết...