Vì mục tiêu phát triển toàn diện người Hà Nội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 15/09/2019
Đáng mừng là vừa qua UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hai kế hoạch (Kế hoạch số 198/KH-UBND và Kế hoạch số 199/KH-UBND), một về đẩy mạnh xã hội hóa thể dục, thể thao, một về phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn đến năm 2025, đã gợi mở cho các địa phương có những giải pháp, cách làm phù hợp để tạo nguồn lực để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao của Thủ đô. Qua đó có thể thấy tính định hướng rõ ràng mà cụ thể là sự chú trọng, ưu tiên từ cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội vào việc phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, từng bước xã hội hóa các môn thể thao.
Mục tiêu hướng đến của việc phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng chính là góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống, thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được vị thế ngày càng cao hơn trong các hoạt động thể dục, thể thao quốc gia và quốc tế. Muốn vậy, phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi thể dục, thể thao làm điều kiện cơ bản bảo đảm cho phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển bền vững.
Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, ngoài sự hỗ trợ ngân sách, các địa phương cần rà soát, có các giải pháp huy động tối đa nguồn lực xã hội vào việc phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, từng bước xã hội hóa các môn thể thao. Trong đó, các địa phương, đơn vị phải đưa hoạt động thể thao thành "mảnh đất" hấp dẫn những "Mạnh Thường Quân", bao gồm doanh nghiệp, cá nhân có đam mê, tâm huyết và khả năng tài chính. Mặt khác, phải có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thể dục, thể thao, giữ chân doanh nghiệp bằng lợi ích để bảo đảm sự đầu tư lâu dài...
Bên cạnh đó, trên cơ sở những chỉ tiêu về nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng, bể bơi, điểm tập thể dục, thể thao ngoài trời... đã đặt ra trong kế hoạch của thành phố, từng quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn xây dựng lộ trình cụ thể của riêng mình để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng cơ sở vật chất để người dân có chỗ rèn tập.
Về phía mỗi người dân, trên hết phải tự ý thức được rằng, rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên sẽ nâng cao sức khỏe, góp phần cải thiện năng suất lao động, nâng tuổi thọ, giảm chi phí khám, chữa bệnh... Vì thế, cần có kế hoạch tự rèn luyện, chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như tham gia khai thác hiệu quả các thiết chế thể dục thể thao.
Thực tế phát triển của xã hội với sự lên ngôi của phương tiện công nghệ khiến con người trở nên "lười biếng" hơn, môi trường sinh thái chịu nhiều tác động tiêu cực hơn, ngày càng cho thấy tầm quan trọng của thể dục, thể thao với sức khỏe của từng người dân. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa sẽ là phương thức quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả những kế hoạch của thành phố nhằm đạt được mục tiêu: Người dân mạnh khỏe, đất nước mạnh giàu.