Bổ sung dự toán ngân sách vốn viện trợ cho các xã đặc biệt khó khăn
Kinh tế - Ngày đăng : 21:19, 16/09/2019
Tờ trình của Chính phủ cho thấy, dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg, trong đó giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản dự án. Các xã thuộc Chương trình 135 của 5 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh là đơn vị thụ hưởng dự án.
Theo Thỏa thuận tài trợ, Chính phủ Ireland cam kết sẽ viện trợ không hoàn lại tối đa 12 triệu euro (tương đương khoảng 318,354 tỷ đồng) cho dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135” trong 4 năm tài khóa, từ 2017 đến 2020. Năm 2018, các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh được giao dự toán chi đầu tư từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2018 là 79,854 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Qua báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra, đánh giá của Đoàn công tác do Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan thành lập, đến ngày 30-6-2019, cơ bản các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã thuộc Chương trình 135 của 5 địa phương nêu trên đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, tỷ lệ giải ngân đạt 89% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu quy định tại Thỏa thuận tài trợ.
Vì vậy, ngày 5-6-2019, Đại sứ quán Ireland đã có Công thư gửi Ủy ban Dân tộc, cho phép tiếp tục phân bổ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 77,49 tỷ đồng cho 5 tỉnh trên.
Dự toán thu viện trợ không hoàn lại năm 2019 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 là 4.000 tỷ đồng, được sử dụng để đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Theo cơ chế thỏa thuận về việc phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135”, hằng năm, hai bên sẽ đánh giá tình hình triển khai các dự án.
Khoản hỗ trợ cho các năm tiếp theo dựa trên nguồn lực của Chính phủ Ireland và phụ thuộc vào kết quả thực hiện nguồn hỗ trợ của Chính phủ Ireland trong những năm trước đó. Nếu bất kỳ tỉnh nào trong các tỉnh trên không bảo đảm tiến độ và các yêu cầu như đã cam kết, hai bên sẽ thống nhất phân bổ nguồn viện trợ cho tỉnh mới.
Đây là lý do dẫn đến khoản vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135” không được tổng hợp, bố trí ngay vào dự toán năm 2019 khi trình Quốc hội quyết định vào tháng 11-2018, vì tại thời điểm tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 chưa có đánh giá tình hình thực hiện dự án của 5 tỉnh nêu trên, chưa có ý kiến của nhà tài trợ về phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại cho năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục triển khai dự án, đáp ứng tiến độ giải ngân theo yêu cầu của nhà tài trợ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại năm 2019 của Chính phủ Ireland là 77,49 tỷ đồng cho 5 địa phương, gồm: Hà Giang 18 tỷ đồng, Hòa Bình 20,9 tỷ đồng, Quảng Trị 9,49 tỷ đồng, Kon Tum 19,2 tỷ đồng và Trà Vinh 9,9 tỷ đồng.
Chính phủ thông báo số vốn viện trợ nêu trên cho các địa phương để triển khai, giải ngân theo tiến độ của dự án và cam kết với nhà tài trợ bảo đảm thực hiện đúng thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ireland. Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 việc xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu viện trợ năm 2019, đồng thời bổ sung tương ứng kế hoạch chi đầu tư năm 2019 cho 5 địa phương này.
Thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, do đây là khoản viện trợ ODA không hoàn lại, có tính cấp bách, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, nhà tài trợ đã chuyển tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng cam kết, việc bổ sung phần vốn này không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.
Đồng thời, để đáp ứng tiến độ giải ngân theo yêu cầu của nhà tài trợ (trước ngày 30-9-2019, các địa phương phải nhận được thông báo vốn để triển khai dự án), căn cứ quy định khoản 3 Điều 51 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, để tận dụng tối đa nguồn lực tài trợ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và phù hợp với tình hình thực tế, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ giải ngân theo tiến độ của dự án và đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội nội dung này tại kỳ họp thứ 8 theo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chủ động làm việc với nhà tài trợ về kế hoạch sử dụng số vốn còn lại để đưa vào dự toán ngân sách nhà nước những năm sau, tránh lặp lại việc xử lý phát sinh.