Nơi khởi nguồn dòng sông tri thức
Giáo dục - Ngày đăng : 12:06, 17/09/2019
1. Mấy năm trước, trong một lần về thăm quê - làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội), tôi đã có dịp trò chuyện với một nhân chứng sống của giai đoạn lịch sử ấy.
Khi tôi gặp, cụ Phan Thị Mão đã ngoài 90 tuổi. Sinh ra trong một gia đình có 9 - 10 người con, cơm ăn áo mặc còn chưa đủ nói gì đến chuyện học hành. Vậy mà sau năm 1945, cụ được cắp sách đến trường. “Trường học” là ba gian nhà tranh của một gia đình trong xóm cho mượn, và lớp học được mở vào mỗi buổi tối. Lúc ấy cụ Mão đã có gia đình riêng và hai con nhỏ (một cháu vẫn còn đang bú mẹ), để đi học cụ bế cả con đến lớp. Học trò đa số là những người như cụ Mão. Ban ngày phải lăn lộn ngoài đồng ruộng để “diệt giặc đói”. Các mẹ, các chị còn phải gánh vác cả phần việc của chồng vì đa số đàn ông trong làng đã gia nhập du kích để “diệt giặc ngoại xâm”.
Giáo viên của những lớp học này là những người biết chữ trong làng. Người thầy dạy cụ Mão là một thanh niên, con trai của một ông nguyên là chánh quản khố xanh đã hưu trí. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), người thầy tòng quân đánh giặc.
Trong cuộc trò chuyện hôm ấy, cụ Mão kể: “Các buổi tối trong tuần mọi người đều có mặt đông đủ. Mỗi lần thầy giáo vào lớp, mọi người đều đứng dậy đồng thanh chào: Chúng con lạy thầy ạ! Thầy giáo trẻ sau rất nhiều lần ngượng ngập, bảo: Đã là xã hội mới, mọi người không phải “lạy thầy” nữa!”. Tôi nói với cụ Mão rằng “các cụ bằng tuổi mẹ, tuổi chị của thầy giáo, sao lại chào như thế?”. Cụ Mão bảo: “Vẫn biết thế nhưng không làm sao sửa được, bởi từ trước đến nay người trong làng vốn vẫn xưng hô như thế với các thầy”.
2. Bố tôi sinh năm 1924, năm 1930 được gia đình cho đi học. Bố tôi học cụ giáo Hiền, người thị xã Sơn Tây. Thị xã cách quê tôi 5km nên cụ phải ở trọ lại nhà tôi. Tiếng là ở trọ nhưng ông tôi đâu dám lấy tiền nhà. Ông nội tôi dọn một ngôi nhà ngói ba gian cho cụ giáo ở, cuối tuần cụ giáo mới thuê xe tay (xe do người kéo) về Sơn Tây thăm gia đình.
Khoảng thời gian đó cả tổng Cam Giá Thịnh (xã Đường Lâm hiện nay) chỉ có một ngôi trường với ba phòng học đặt tại làng Mông Phụ. Học trò đa phần là đàn ông (cũng có một số học trò nữ) của những gia đình khá giả trong vùng. Việc học hành cực kỳ khó khăn, đó cũng là một trong những chính sách “ngu dân” của chính quyền thuộc địa.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, phong trào “Diệt giặc dốt” như thổi một làn gió mới vào xã hội. Cứ tối tối là những lớp học “Bình dân học vụ” lại sáng đèn. Khắp làng khắp xóm mọi người rủ nhau đi học, trẻ già trai gái đủ cả. Các thầy thay nhau dạy, thầy trẻ ra nhập Việt Minh thì những thầy lớn tuổi tiếp tục. Có một điều rất đặc biệt là không ai phải đóng học phí và không thầy, cô nào có lương khi đứng lớp.
Sau “hòa bình lập lại” (năm 1954), miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, đối với lớp “vỡ lòng” tất cả các thầy cô tham gia giảng dạy hầu hết là những người đã từng đóng góp trong phong trào “Bình dân học vụ”. Chẳng biết có phải do lớp “vỡ lòng” không được tính trong hệ giáo dục 10 năm nên việc giảng dạy và học tập hết sức đơn giản. Nhiệm vụ của học trò “vỡ lòng” là tập viết và tập đọc. Đọc thông, viết thạo là được.
Lớp học mở ở khắp nơi, mỗi làng một lớp. Đình, đền, chùa, miếu, và cả những ngôi nhà vắng chủ đều có thể trở thành lớp học. Hầu hết trẻ con trong làng đều được đi học. Học sinh không phải áo dài, áo ngắn, cá biệt có những học trò chân đất quần cộc đến lớp. Thầy cô dạy “vỡ lòng” ở Đường Lâm ngày ấy đều không có lương, chỉ được miễn “dân công và xã hội”. (Ngày ấy mỗi công dân đến tuổi trưởng thành, ở làng, một năm phải đóng góp 15 công lao động cho các việc như đắp đê, đắp đập..., 5 công lao động cho những việc khác tùy vào tình hình cụ thể của địa phương, 1 công được tính 10 điểm, tương đương 1kg thóc). Có lẽ vì thế mà việc học của lớp “vỡ lòng” chủ yếu được tiến hành từ buổi trưa đến đầu giờ chiều. Thời gian còn lại để các thầy cô lao động sản xuất.
3. Năm 1963 tôi được gia đình cho đi học. Lớp “vỡ lòng” mở ở ngôi trường trong làng nơi mà các bậc phụ huynh của chúng tôi từng học tập. Giáo viên dạy “vỡ lòng” vẫn là những người từng tham gia “Bình dân học vụ”. Lớp học không phân biệt tuổi tác, có những anh chị hơn tôi đến 6 - 7 tuổi. Lúc đầu là bảng đen phấn trắng. Sau đó là bút chì rồi bút mực tập tô theo nét bút chì của giáo viên. Sau đó viết bút sắt với mực tím.
Tôi học cô giáo Thử, một người theo đạo Thiên chúa. Trong giờ dạy cô vẫn thường mở gói lấy trầu ra ăn. Thỉnh thoảng cô không lên lớp được thì thầy Doan dạy thay. Tôi đến trường sớm thường gặp thầy Doan vác cỗ cày bừa ở ngoài đồng về, người lấm len bùn đất... Vậy mà khi đến lớp các thầy cô không thấy ai luộm thuộm cả. Bộ quần áo nâu của thầy Doan với nụ cười và hàm răng đen bóng vẫn in đậm trong ký ức tôi đến tận bây giờ!
Cái thuở đầu đời, có lẽ điều đáng nhớ nhất của mỗi học trò là tập viết. Trong giờ tập viết, đứa ngoẹo đầu ngoẹo cổ, đứa mím môi mím lợi... Có đứa cả mấy tháng trời vẫn chưa viết được chữ “o” tròn trịa và đúng dòng kẻ. Đọc thì khá hơn, có những đứa đã đọc làu làu, học đến lớp 3, lớp 4 vẫn không thể viết đẹp, mặc dù mỗi tuần vẫn có một hai buổi có tiết “tập viết”! Việc tập viết kéo dài cho đến hết cấp I. Có thế nói, đối với mỗi học trò “vỡ lòng” và cấp I ngày ấy, viết đẹp là một thử thách.
Cứ như thế hết lứa trẻ nọ đến lứa trẻ kia học qua lớp “vỡ lòng” ở trường làng. Mỗi làng đều có một lớp. Làng Đông Sàng có thầy Chi. Làng Cam Thịnh có thầy Minh. Làng Đoài Giáp có cô Ngọ. Làng Cam Lâm có thầy Liên. Làng tôi (làng Mông Phụ) đông dân nên có hai lớp và hai giáo viên là thầy Doan và cô Thử...
Qua “vỡ lòng” lên lớp 1, là lớp đầu tiên của cấp I trong hệ giáo dục phổ thông 10 năm. Hết cấp I là cấp II. Lên đến cấp III mỗi khóa cả làng chỉ có vài người đi học. Sau bao nhiêu năm dạy “vỡ lòng” các thầy cô “Bình dân học vụ” của làng tôi đã đào tạo hàng trăm học sinh cho các cấp học sau này.
Rồi chiến tranh xảy ra, thanh niên làng nhiều người lên đường tòng quân đánh Mỹ. Một số vào đại học, một số được đi đào tạo ở nước ngoài làm cán bộ nguồn cho những năm sau chiến tranh...
4. Hơn bảy chục năm sau nhìn lại, đã có biết bao nhiêu lứa học trò của các lớp “Bình dân học vụ”, lớp “vỡ lòng” năm xưa ấy đã trưởng thành, trở thành những cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học, nhà quản lý, đảm nhiệm trọng trách ở các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân... Điều bất ngờ thú vị là họ đều bắt đầu từ ngôi trường làng với những giáo viên “Bình dân học vụ”! Ngay như cụ Mão và rất nhiều người nông dân bình thường mà tôi đã gặp cũng nói: “Chúng tôi đọc được những thông báo của Chính phủ kháng chiến và sau này là tin của thôn, của đội sản xuất nông nghiệp”.
Không rõ đã có một thống kê cụ thể nào về thành tựu của phong trào “Bình dân học vụ” đối với xã hội Việt Nam chưa, song có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, “diệt giặc dốt” mà cụ thể là phong trào “Bình dân học vụ” đã làm thay đổi cách nghĩ, quan điểm về học hành của cả dân tộc.
Hôm nay tôi lại về làng, lang thang qua những con ngõ nhỏ. Con sông Cái (sông Hồng) bao đời nay vẫn mải miết chảy bên làng. Hai bên bờ sông là những cánh bãi bồi mướt mát màu xanh ngô đậu. Đi khắp cả vùng không còn gặp thầy cô nào nữa. Lòng tôi bùi ngùi khi biết những năm tháng cuối đời sau khi nghỉ dạy học, các thầy cô “Bình dân học vụ” không ai được hưởng lương hưu. Họ đã sống một cuộc đời như biết bao cuộc đời bình dị khác trên mảnh đất này.
Nhưng tôi chắc chắn rằng không ai quên họ cả. Không ai có thể quên một thuở đầu đời đẹp đẽ, một thời “Bình dân học vụ”, một thời “vỡ lòng” đã khai sáng cho cả dân tộc và khởi nguồn dòng sông tri thức của một chế độ mới!
Nhận thức rõ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xóa nạn mù chữ, “diệt giặc dốt”. Người đã ban hành 3 sắc lệnh quan trọng về giáo dục, đó là Sắc lệnh 17 về thành lập Nha Bình dân học vụ, Sắc lệnh 19 quy định mỗi làng phải có một lớp học “Bình dân học vụ” và Sắc lệnh 20 quy định bắt buộc học chữ quốc ngữ không mất tiền.