Bảo đảm các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thúc đẩy bình đẳng giới
Đời sống - Ngày đăng : 14:11, 17/09/2019
Hội thảo được chia thành hai phiên: Tổng quan về ngân sách có trách nhiệm giới; chia sẻ kinh nghiệm thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới. Các đại biểu đã được cung cấp thông tin thực tiễn về ngân sách có trách nhiệm giới ở Việt Nam và các nước trong khu vực Thái Bình Dương.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi về nhiều nội dung: Việc thực hiện quy định nguyên tắc bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm về bình đẳng giới trong Luật Ngân sách nhà nước; thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới thông qua hoạt động của đại biểu dân cử...
Một trong những vấn đề được nêu ra là: Tại Việt Nam, vào tháng 6-2015, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sự thay đổi đáng chú ý nhất là bình đẳng giới được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong thực tế còn nhiều thách thức do những hạn chế về năng lực của các bên liên quan.
Bà Phạm Thu Hiền, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, bình đẳng giới được nói đến rất nhiều và ai cũng ủng hộ bình đẳng giới, nhưng cách hiểu về bản chất của vấn đề này rất khác nhau. Do đó, cần phân tích giới và lồng ghép trong hoạt động của HĐND về mức độ phù hợp của ngân sách, kết quả tác động đến nam và nữ, đề xuất điều chỉnh ngân sách đáp ứng mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới; trong thẩm tra và chấp hành ngân sách nhà nước, cần xem xét ảnh hưởng của các chính sách thu ngân sách đến nam và nữ, mức độ hưởng lợi của nam và nữ có gì khác biệt hay không…
Hội thảo nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và ủng hộ của các đại biểu dân cử về tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa các vấn đề giới trong chu trình ngân sách nhằm bảo đảm các chương trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.