Động lực thúc đẩy nông thôn phát triển
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:32, 17/09/2019
Báo Hànộimới giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài: 10 năm triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Động lực thúc đẩy nông thôn phát triển.
Bài đầu: Nông thôn mới - mới từ đồng ruộng
Với khu vực nông thôn rộng lớn, Hà Nội xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân (Chương trình số 02-CTr/TU), Hà Nội đã thu được nhiều thành công mang tính nền tảng; trong đó, việc dồn điền, đổi thửa là điều kiện để nông dân chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật… Nông thôn mới Hà Nội mới từ đồng ruộng quê hương.
Tạo nền tảng phát triển bền vững
Ngược dòng thời gian 10 năm về trước, mỗi hộ dân nông thôn có đến dăm bảy thửa ruộng nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, lạc hậu, cây lúa là chủ đạo, giá trị kinh tế thấp. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương thực hiện.
Bí thư Chi bộ thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Hữu Hồng cho biết, trước khi dồn điền đổi thửa, trung bình mỗi hộ dân ở Phúc Xuân có tới 7-8 thửa ruộng, cá biệt có hộ có tới 18 thửa ruộng. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thôn Phúc Xuân đã họp bàn, hạ quyết tâm dồn điền, đổi thửa. Vượt qua vô vàn khó khăn, địa phương hoàn thành công tác này vào năm 2013. Có thửa lớn, xã Bắc Sơn đã hình thành các vùng trồng lúa, trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản tập trung thay cho độc canh cây lúa.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, đến nay, huyện đã dồn điền, đổi thửa được 10.845ha, vượt 107% kế hoạch thành phố giao; bình quân mỗi hộ có 2-2,5 thửa ruộng. Từ đó, các địa phương đã quy hoạch lại sản xuất, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Năng suất các loại cây trồng, vật nuôi tăng hơn 15-20% so với năm 2010…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Đến nay, Hà Nội đã dồn điền, đổi thửa được 79.454/75.980ha (đạt 105% kế hoạch). Thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng bản đồ, quy hoạch lại sản xuất; hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng... Có thửa ruộng lớn, thành phố tiếp tục hỗ trợ các địa phương đưa cơ giới vào sản xuất.
Điển hình như huyện Phú Xuyên đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân mua máy cấy từ 40 đến 45 triệu đồng/máy và chỉ đạo các xã, hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ thêm cho các hộ dân tùy theo điều kiện địa phương. Còn với Thường Tín, để “tiếp sức” cho các mô hình mới, huyện đã hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia khảo nghiệm giống mới; khuyến khích các gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp...
Để tạo sự đồng bộ trên toàn vùng ngoại thành, từ năm 2010 đến nay, thành phố Hà Nội đã ban hành 7 nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND, ngày 5-4-2012 về “Thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2016”; Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 về “Một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” và mới đây là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 về “Một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội”...
Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp
Chọn đúng khâu đột phá, có chính sách hỗ trợ kịp thời, nông nghiệp Hà Nội đã có nền tảng bền vững để bứt phá trên đường phát triển. Cánh đồng xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) rộng hàng trăm héc ta trồng một giống lúa duy nhất là J02 thay vì mỗi ruộng một giống như trước đây.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Phú Đặng Huy Cương cho biết, trồng một giống nên có chung quy trình sản xuất. Các khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, thu hoạch... đều đồng bộ; năng suất lúa cao, gạo ngon, bán được giá hơn. Hiện, toàn bộ sản lượng gạo đã được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ ổn định. Thu nhập từ trồng lúa của xã tăng hơn 5 tỷ đồng so với trước kia.
Không chỉ với cây lúa, sau dồn điền, đổi thửa, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được thúc đẩy. Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà dẫn chứng: “Người dân Núi Bé bắt đầu trồng bưởi năm 2006 nhưng do chưa có kỹ thuật nên cây sinh trưởng kém, thường xuyên mất mùa. Từ năm 2013, hợp tác xã thuê lại 18ha trồng bưởi của các hộ để tập trung chăm sóc, đồng thời sử dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo. Từ đó tới nay, chưa năm nào bưởi Núi Bé mất mùa. Ước tính 1ha trồng bưởi đạt 40 tấn quả/năm, thu khoảng 600 triệu đồng”...
Cùng với đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã từng bước hình thành. Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) là ví dụ nổi bật. Chỉ với 1,2ha trồng rau, mỗi năm hợp tác xã thu gần 4 tỷ đồng.
“Chúng tôi đầu tư nhà lưới, nhà màng, kho lạnh và khu sơ chế, bảo quản rau… theo quy trình khép kín. Các giống rau được trồng là rau mầm rất được ưa chuộng trên thị trường nên có giá thành cao” - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, Hà Nội đã có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 135 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
“Các mô hình tạo chuyển động tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, với những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ổn định” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá.
(Còn nữa)
Đến hết tháng 8-2019, toàn thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng 40.227ha sang rau an toàn, cây ăn quả và hoa, cây cảnh; thu nhập bình quân mỗi héc ta canh tác ở Hà Nội đạt 259 triệu đồng/năm (năm 2010 đạt 133 triệu đồng/năm). Trong đó, các vùng chuyển đổi cho thu nhập từ 400 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm...