Bài 2: Những làng quê “thay áo mới”
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:29, 18/09/2019
Nối tiếp những thành công
Cách đây 10 năm, đường giao thông, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… của xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đều thiếu thốn. Nhưng hôm nay trở lại, Tiến Xuân đã đổi khác. Ông Bùi Tiến Sơn (dân tộc Mường) ở thôn Gò Chè nói với phóng viên Báo Hànộimới: “Trước khi hợp nhất từ tỉnh Hòa Bình về Thủ đô Hà Nội (năm 2008), Tiến Xuân là xã nghèo, đời sống của người dân vô vàn khó khăn. Thế nhưng, chỉ sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, nơi này đã thay đổi toàn diện. Đường ngõ xóm được bê tông hóa, đường liên thôn trải nhựa phẳng phiu, kết nối với tỉnh lộ… rất thuận lợi cho đi lại và giao thương”.
Theo Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long, năm 2015, xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế khang trang; kinh tế, văn hóa, xã hội... đều phát triển mạnh, đời sống của người dân ngày càng sung túc.
Sự đổi thay ấy cũng đã và đang đến với nhiều xã vùng xa trung tâm Hà Nội. Ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), năm 2012, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,7% tổng số hộ dân. Năm 2015, xã Hương Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới và đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9%.
Những đổi thay đó có được một phần nhờ hạ tầng nông thôn được đầu tư đáng kể bằng cả nguồn vốn ngân sách lẫn xã hội hóa, nhất là tại khu danh thắng nổi tiếng chùa Hương. Hiện, xã có 70% số hộ làm dịch vụ tại khu vực chùa Hương; một số hộ làm nông nghiệp nhưng chuyển sang trồng cây đặc sản như mơ Hương Tích, rau sắng kết hợp chăn nuôi... phục vụ du lịch, cho thu nhập ngày một cao. Ông Vương Ngọc Kiện ở thung Chùa (xã Hương Sơn) cho biết, gia đình có 350 gốc mơ Hương Tích, vụ mơ 2019, thu 5 tạ quả, bán được 40 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ mơ giống, trồng cây dược liệu dưới tán rừng...
Nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương nhớ lại: Thời gian đầu khi Hà Nội mới bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí đạt rất thấp, đặc biệt là nhóm tiêu chí về hạ tầng. Đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn với 379/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông, 384/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thủy lợi, 373/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa... Và điều quan trọng nhất là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Một trong những huyện điển hình của phong trào xây dựng nông thôn mới là Đông Anh. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, 10 năm qua, huyện đã xây mới và cải tạo hơn 800km giao thông nông thôn; 117 nhà văn hóa thôn, làng.
Và đến thời điểm này, Đông Anh có 100% trạm y tế xã và 64,4% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia...
Với huyện Thạch Thất, thành công nổi bật trong xây dựng nông thôn mới là thu nhập bình quân cao nhất khu vực ngoại thành (58 triệu đồng/người/năm). Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, từ việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp phát triển làng nghề truyền thống, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện tăng 45 triệu đồng/người/năm so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo (không tính hộ được hưởng bảo trợ xã hội) còn 0,54%...
Rạng rỡ nông thôn mới
Nông thôn Hà Nội đang sáng - xanh - sạch - đẹp hơn mỗi ngày. Trong số những vùng quê ấy, Đan Phượng là một điểm sáng, khi năm 2015 là huyện đầu tiên của thành phố hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Năm 2018, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung. Và đây cũng là 3 xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Hà Nội.
Đến xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), ấn tượng nhất với mọi người là những con đường bích họa, những đường hoa khoe sắc nối dài xóm thôn. Một làng quê ven đô trù phú, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của nông thôn truyền thống. Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Nguyễn Thị Kim Cúc giới thiệu: “Ở xã không có mái che, mái vẩy chìa ra đường hay bậc tam cấp lấn ra ngõ; 100% thôn, làng giữ được ao hồ, kè bờ, có lan can bảo vệ, tạo cảnh quan sạch đẹp”.
Nói về thành quả xây dựng nông thôn mới của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội (huyện Đông Anh) Hoàng Văn Hội cho biết: “Xã Đông Hội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2014. Hiện nay, xã đang lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nông thôn theo tiêu chí đô thị. Xã cũng đã rà soát toàn bộ ao hồ, lựa chọn được 10/21 ao, hồ để cải tạo (11 ao hồ còn lại trong quy hoạch nên không thực hiện) gắn với trồng cây xanh, chiếu sáng, giao thông, thu gom nước thải để làm đẹp nông thôn”.
Còn Bí thư Chi bộ thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Hữu Hồng thì phấn khởi cho biết, thôn đã chia 21 tuyến đường tự quản, trồng hoa, cây xanh. Trong đó, 12 tuyến đường đã có điện chiếu sáng... Thôn Phúc Xuân đã phát động người dân tham gia vệ sinh môi trường thường xuyên để xóm làng luôn khang trang, sạch đẹp...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ: Nâng cao đời sống nông dân là nội dung quan trọng trong Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Thành phố khuyến khích các địa phương tập trung cải thiện môi trường nông thôn, xây dựng xóm, làng sạch đẹp. Từ thành công ở Đan Phượng, Hà Nội đã nhân rộng mô hình đường hoa, đường bích họa, đánh số nhà, đặt tên ngõ ở khắp các huyện, thị xã. Hà Nội đã có nhiều làng đẹp, bình yên, thật sự là nơi đáng sống.
“Trước đây, nhiều người dân nông thôn có tâm lý thoát ly khỏi làng, nhưng giờ đây, nhiều người lại chọn cách về quê sinh sống. Làng quê Hà Nội ngày càng sạch, đẹp, cơ sở hạ tầng được đầu tư, con trẻ có nơi học hành... Nông thôn mới đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị” - ông Chu Phú Mỹ nhận định.
(Còn nữa)