Đa dạng nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:12, 18/09/2019
Thay vì phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, thời điểm này, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố chuyển dần sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và gia súc ăn cỏ. Ông Nguyễn Văn Sắc ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho hay, để phục vụ nguồn cung thịt gà vào các tháng cuối năm, trang trại của gia đình ông đã tăng tổng đàn lên 10.000 con. Nếu chăn nuôi phát triển thuận lợi, trang trại của gia đình ông sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt gà thả vườn vào dịp Tết năm nay.
Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì cho biết, không riêng gia đình ông Nguyễn Văn Sắc, hiện nay, nhiều hộ gia đình ở huyện Ba Vì lo ngại bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã chuyển sang nuôi gà thả vườn. Trong đó, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ từ 100 đến 500 con, còn trang trại quy mô lớn nuôi từ 2.000 đến 10.000 con gà, tập trung tại các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…
Không chỉ các hộ, gia trại tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, thay vì tập trung phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng đã có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi và đối tượng vật nuôi.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân Phạm Thanh Hùng cho biết: "Công ty đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thực phẩm sạch khép kín từ trang trại nuôi gà lấy trứng và chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, xử lý trứng và chế biến thực phẩm hiện đại, nhằm đem đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho thị trường Tết Nguyên đán 2020. Trong khâu phân phối, ngoài hệ thống siêu thị như: Co.opmart, Co.op Food, Big C…, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán sản phẩm ở chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn, trường học với giá cả ổn định".
Còn theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín): Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cuối năm, Công ty cũng đã liên kết và đặt hàng các trang trại chăn nuôi lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, dự kiến cung cấp cho thị trường Hà Nội từ 200 đến 300 tấn thịt lợn vào dịp cuối năm 2019.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trong tháng giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tăng tối thiểu khoảng 3% so với các tháng khác trong năm. Để ổn định thị trường thực phẩm cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục sẽ làm việc với các doanh nghiệp, xây dựng phương án để đáp ứng đủ thực phẩm thay thế nguồn cung thịt lợn như: Thịt gà, bò, cá...
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, nhận định tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi và nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động có kế hoạch tăng đàn chăn nuôi gia cầm, thủy cầm... Một số doanh nghiệp đã có phương án tăng cường thu mua, giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn an toàn, để dự trữ, cung ứng cho thị trường thời gian tới.
Về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tăng tổng đàn vật nuôi trong cơ cấu chăn nuôi gia cầm, trâu, bò... trong vùng quy hoạch để bảo đảm cân đối cung - cầu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm nhằm đưa ra thị trường những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ và giải quyết khâu tiêu thụ cho người dân.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sự thay đổi của thời tiết để có những giải pháp chăn nuôi phù hợp, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm 2019...