Phát triển nhà ở tại Hà Nội: Bảo đảm an sinh, văn minh, hiện đại
Bất động sản - Ngày đăng : 06:19, 18/09/2019
Bài đầu: Nỗ lực phát triển nhà ở xã hội
Chiếm đến 60-70% nhu cầu thị trường, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng còn rất thiếu. Thời gian quà, Hà Nội đã nỗ lực tập trung phát triển nhà ở xã hội dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách có nơi an cư ổn định. Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội còn gặp không ít khó khăn...
Chưa đáp ứng nhu cầu
Dọn về ngôi nhà mới tại Dự án nhà ở xã hội Hồng Hà Eco City (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì), vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Tâm (quê Hà Nam, công tác tại Tạp chí Sân khấu) không khỏi vui mừng, bởi đã có chỗ an cư. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có nhiềm vui tương tự, nhất là với người trẻ, có thu nhập thấp..., vì giá nhà tại nhiều dự án vượt quá khả năng chi trả.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020), Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 phát triển khoảng 5,2 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hoàn thành gần 1 triệu mét vuông sàn, cộng thêm các dự án đang triển khai có khả năng hoàn thành đến năm 2020, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của thành phố đạt hơn 3,4 triệu mét vuông. Như vậy, từ nay đến năm 2020, thành phố cần bổ sung khoảng 1,7 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc nhà ở xã hội trên cả nước, nhà ở bình dân (giá khoảng 15 triệu đồng/m2) chiếm 60-70% nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung lại đang thiếu. Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cần đến 12,5 triệu mét vuông sàn. Song, đến nay, cộng các dự án đã hoàn thành và đang triển khai, mới đạt 3,92 triệu mét vuông, bằng 31% kế hoạch.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thực trạng trên bắt nguồn từ việc thiếu nguồn vốn, quỹ đất, doanh nghiệp bất động sản không mặn mà đầu tư. “Nhà ở xã hội được ưu đãi thuế đất, nhưng bị khống chế về giá. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm, nên đầu tư phát triển nhà ở xã hội không phải là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp” - ông Đỗ Viết Chiến chia sẻ.
Trước những khó khăn đó, từ ngày 1-6-2013, Chính phủ đã dành 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ mua nhà cho người thu nhập thấp. Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng kết thúc (ngày 31-12-2015) đã ảnh hưởng đến kết quả phát triển nhà ở xã hội của thành phố. Sau đó, Chính phủ tiếp tục bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, song việc rót vốn còn chậm, số lượng vốn cho vay còn hạn chế. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố Hà Nội, năm 2018 được bố trí 62 tỷ đồng, năm 2019 là 60 tỷ đồng.
Nỗ lực bổ sung nguồn cung
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để giải quyết các khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội thì điều quan trọng hơn cả là Nhà nước cần khơi thông nguồn vốn cho thị trường.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2019, thành phố đã có quỹ hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội từ nguồn thu tương đương giá trị 20%, 25% quỹ đất ở tại các dự án nhà ở thương mại thực hiện theo trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội bằng phương thức nộp tiền. Đến nay, đã có hơn 2.000 tỷ đồng nộp ngân sách. Lãnh đạo thành phố cũng quyết liệt trong chỉ đạo các sở, ngành kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Nhờ đó, Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội (riêng năm qua thành phố đã hoàn thành hơn 300.000m2 sàn, chiếm hơn 70% quỹ nhà ở xã hội xây dựng mới của cả nước).
Từ dự án khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp Đặng Xá (huyện Gia Lâm), đến nay nhiều dự án nhà ở xã hội đã hình thành: Nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Khu nhà ở thu nhập thấp Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)... Ngoài ra, một số dự án khu nhà ở xã hội cũng đã được khởi công tại ô đất CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh), dự án ở Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh)... Các dự án này sẽ tạo lập thêm quỹ nhà ở và trong khoảng 2 năm tới, quỹ nhà ở xã hội của thành phố cơ bản sẽ giải quyết được một phần lớn nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, điều đáng nói là trong khi nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chưa được phân bổ, các doanh nghiệp như: Handico, Viglacera... - những đơn vị tiên phong, chủ lực tham gia phát triển nhà ở xã hội đã chủ động thực hiện từ nguồn vốn của doanh nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, thành phố đã, đang chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Đối với khoảng 1,7 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội còn thiếu so với kế hoạch, thành phố yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy nhanh tiến độ triển khai lập dự án 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung (Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc); xác định cụ thể quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi giải phóng mặt bằng trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở ngay từ khâu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500... Trong đó, trước mắt tập trung triển khai ngay các dự án nhà ở xã hội tại 19 khu đất đã giải phóng mặt bằng xong... Thành phố cũng ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn tiền thu từ quỹ 20%, 25% nêu trên để đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.
(Còn nữa)