Phải hành động để xây dựng một Việt Nam hùng cường
Kinh tế - Ngày đăng : 17:47, 19/09/2019
Giữ vai trò đồng chủ tọa Diễn đàn còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione.
Cùng tham dự Diễn đàn còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam.
Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tham dự.
Giải pháp tăng năng suất và đổi mới sáng tạo
Theo TS Jan Rielaender, Trưởng bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), giá trị GDP của Việt Nam đạt ở mức trung bình, nhưng Việt Nam đạt kết quả tốt về phát triển hạ tầng, nhà cửa, giáo dục và chăm sóc y tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế, vì vậy cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất để khắc phục tình trạng này.
TS Jan Rielaender cho rằng, về thể chế, Việt Nam cần cải thiện tính minh bạch và khả đoán trong việc thực thi pháp luật, để doanh nghiệp nắm bắt thị trường vận hành ra sao và cho đúng theo quy định pháp luật.
Về tăng trưởng năng suất, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia cho rằng, như Việt Nam, Malaysia cũng gặp vấn đề về năng suất và phải mất 27 năm để đi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, và mất 22 năm để đi từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Vì vậy, cần chú trọng tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo.
Là diễn giả cuối cùng phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đã đề cập 6 định hướng quan trọng để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thịnh vượng, bao gồm: Nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất; phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh mạng lưới kết cấu hạ tầng và hệ thống đô thị; tập trung phát triển con người và văn hóa - xã hội; bảo vệ tốt môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nâng cao giá trị khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu
Phát biểu tại Diễn đàn, điểm lại một số kết quả sau 30 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53% năm 1992, giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, theo chuẩn nghèo đa chiều. Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước.
Tuy nhiên, với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng đồng tình với nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro của nền kinh tế Việt Nam. Tuy chúng ta tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được "tiền lẻ" trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời Thủ tướng nêu 5 định hướng, đó là:
Thứ nhất, phải gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội cho phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai, thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế..., hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Thứ ba, phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển.
Thứ tư, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao; thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc mang thịnh vượng đến mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các Hiệp định FTA đã ký, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.