Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt: "Khắc ghi lời Bác dặn"

Đời sống - Ngày đăng : 08:31, 20/09/2019

(HNMO) - Sáng 20-9, tại trụ sở Báo Hànộimới, Ban Thi đua - Khen thưởng, Cụm thi đua 16 thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt "Khắc ghi lời Bác dặn". Các vị khách mời, là điển hình người tốt - việc tốt, chia sẻ những câu chuyện, việc làm hữu ích mà họ đã và đang thực hiện.

11:25 20/09/2019

Phát biểu kết thúc chương trình giao lưu trực tuyến gương Điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt năm 2019 nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) với chủ đề “Khắc ghi lời Bác dặn”, đồng chí Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, sau hơn 2 giờ đồng hồ, với hàng chục ý kiến hỏi, đáp, chia sẻ từ các khách mời và khoảng 10.000 lượt truy cập vào website của Báo điện tử Hànộimới theo dõi buổi giao lưu đã cho thấy, những tấm gương Người tốt, việc tốt đã và luôn nhận được sự quan tâm, trân trọng rất lớn của cộng đồng và toàn xã hội.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Tại buổi giao lưu hôm nay, thông qua hệ thống trực tuyến của Báo điện tử Hànộimới, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 câu hỏi của bạn đọc gửi về. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn, nên những câu hỏi chưa được giải đáp sẽ được Báo Hànộimới chuyển đến các khách mời để trả lời bạn đọc sau.

Trong suốt quá trình giao lưu, 11 khách mời đã đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực, đầy ý nghĩa đối với cuộc sống và nêu những đề xuất, chia sẻ nhiều giải pháp, sáng kiến hay, góp phần thực hiện hiệu quả những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.  

“Hy vọng rằng, sau buổi giao lưu này, chúng ta cùng nhau tiếp tục thực hiện nhiều công việc thiết thực, có ý nghĩa để việc tốt tiếp tục sinh ra việc tốt, cái xấu bị đẩy lùi, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao của từng đơn vị trong Cụm thi đua số 16; thiết thực xây dựng Thủ đô và đất nước giàu đẹp, văn minh, đúng như tâm nguyện tại Di chúc của Người”, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới bày tỏ.

11:21 20/09/2019

Để ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của các gương Điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt trong cụm, Cụm thi đua số 16 đã đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 6 gương Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố năm 2019 và tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt cho 1 cá nhân. 

Ông Tô Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du, huyện Đông Anh được nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019.

6 gương điển hình tiên tiến được tặng Bằng khen của thành phố năm 2019 gồm:

1. Bà Trần Hồng Vân - Phó Trưởng Ban Báo Điện tử, Báo Hànộimới.
2. Bà Nguyễn Khánh Ly - Phóng viên Ban Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Hànộimới.
3. Bà Đinh Thị Thu Hằng - Phóng viên Ban Văn xã, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội.
4. Ông Tô Đình Hiếu - Kỹ sư, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội.
5. Ông Bùi Hữu Minh - Cán bộ Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
6. Ông Phan Tuấn Vinh - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 4, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.

11:19 20/09/2019


Chia sẻ về việc tri ân anh hùng liệt sĩ, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, ông Nguyễn Phi Hậu, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu, huyện Hoài Đức cho biết: Là một người kinh doanh nên tôi đã đi đến hầu hết các tỉnh, thành trong nước và nhận thấy bà con nông dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc còn rất nghèo. Nhà tôi ở gần chợ đầu mối. Vì vậy, tôi đã có ý tưởng làm một tấm biển thông báo những ai có quần áo cũ mang đến để tôi thu gom, rồi giặt sạch, gửi tặng những gia đình còn khó khăn, những gia đình ở khu vực bị thiên tai.... Năm vừa qua, hàng nghìn bộ quần áo cũ đã được gửi đi.

Xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôi cũng đã huy động và tổ chức đêm hát tri ân Anh hùng liệt sĩ, tặng 900 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ ở 3 xã của huyện Hoài Đức với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.

11:15 20/09/2019

Trong quá trình công tác của mình, bà Đinh Thị Thu Hằng, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã phối hợp sản xuất nhiều chương trình như: Lắng nghe cơ thể bạn, Sức khỏe cộng đồng, Phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng... và nhiều chuyên đề phản ánh những tồn tại trong cung cấp trang thiết bị y tế, bảo hiểm y tế, quá tải bệnh viện... với cách thể hiện sinh động, hấp dẫn.

Bà Đinh Thị Thu Hằng cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó; khơi dậy và phát huy cao nhất trí tuệ tập thể và tinh thần sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, bà đã nhiều lần đạt giải Bạc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc và đạt Giải nhất cuộc thi viết về gương Người tốt, việc tốt của thành phố năm 2018.

“Xin bà cho biết, làm cách nào để lớp trẻ ngày nay hiểu rõ và làm theo lời Bác dạy?”, độc giả Đỗ Thanh Huyền (quận Hai Bà Trưng) hỏi.

Bà Đinh Thị Thu Hằng: Với kinh nghiệm từ chính bản thân tôi, việc hiểu rõ và làm theo lời Bác dạy tự nhiên ngấm vào người từ nhỏ. Tôi rất thích nghe những câu chuyện về Bác. Khi nghe chăm chú, tôi cảm nhận được trong những câu chuyện về Bác, tuy rất giản dị, nhưng ẩn sâu trong đó là những bài học sâu sắc, thấm vào trong mỗi chúng ta trong những công việc hằng ngày.

Bà Đinh Thị Thu Hằng (trái).

Tất cả những tấm gương hôm nay cũng đã thấm nhuần tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Họ đều yêu công việc của mình, và nỗ lực hằng ngày. Đó cũng chính là sự thể hiện rõ nhất việc hiểu và làm theo lời Bác dạy.

11:06 20/09/2019

Ông Tô Văn Định, Giám đốc HTX Sơn Du, huyện Đông Anh, Hà Nội là một cá nhân trong lớp lớp những thế hệ người Thủ đô đang hằng ngày cống hiến tâm, sức để xây dựng thành phố có những bước phát triển mới về kinh tế xã hội. Với mong muốn giúp người dân phát triển kinh tế, có việc làm và thu nhập ổn định, ông Tô Văn Định đã tích cực tìm hiểu, học hỏi, tham gia các lớp hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng, đồng thời tuyên truyền, vận động thành viên HTX, người dân trong thôn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Gia đình ông đã tiên phong triển khai thực hiện trên diện tích 3ha trồng rau an toàn, cho doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm (tăng 1,5 lần so với trước). Đến nay, đã có 20 hộ thành viên HTX áp dụng, triển khai trồng rau theo quy trình chất lượng với diện tích 30ha. Ông cũng chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các bếp ăn tập thể, các trường mầm non trong xã và một số thương lái, nhờ đó, thu nhập của các hộ thành viên đã tăng từ 2,5 triệu đồng/người/tháng lên 5 triệu đồng/người/tháng. 

Độc giả Vũ Tường Minh (Ba Đình) hỏi: Động lực nào đã khiến ông tích cực tìm tòi những tiến bộ của khoa học công nghệ và vận động bà con làm theo?

Ông Tô Văn Định: Sau khi tiến hành chuyển đổi HTX theo luật vào năm 2012, tại địa phương chúng tôi có hơn 50 ha đất đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tôi luôn trăn trở vì bà con thường sản xuất theo kiểu truyền thống dẫn tới được mùa thì rớt giá. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Tô Văn Định (phải).

Sau khi tham gia nhiều lớp tập huấn, tôi đã vận động, hướng dẫn bà con sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, VietGap. Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do bà con tiếp thu chậm. Ngoài việc vận động bà con, tôi còn mạnh dạn thuê những mảnh ruộng bà con không sử dụng để tiếp tục lan tỏa ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao. Các mô hình sản xuất rau an toàn của chúng tôi đã được chính quyền địa phương đánh giá cao, sản phẩm được tiêu thụ tốt, tạo thu nhập cho nhiều hộ gia đình và tạo cho bà con thói quen mới - đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

11:04 20/09/2019

Thời gian vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều hoạt động sôi nổi triển khai phong trào thi đua Người tốt, việc tốt và đạt được nhiều thành công. Chia sẻ tại cuộc giao lưu trực tuyến, ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội là một địa điểm văn hóa của Thủ đô. Vì thế, Trung tâm đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố; trong đó trang phục, cung cách phục vụ của nhân viên, cán bộ Trung tâm rất được chú trọng.

Ông Phan Duy Thắng.

"Trong năm qua, chúng tôi tổ chức được những chương trình rất có ý nghĩa, như kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa học sinh đến với khu di sản Hoàng Thành-Thăng Long để các em tìm hiểu, biết được về các giai đoạn phát triển của đất nước. Đến đây, các em còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian. Hơn 20.000 học sinh đã đến với khu di sản. Năm học tới, mục tiêu chúng tôi đặt ra là phấn đấu có 50.000 học sinh Thủ đô đến với khu di sản. 

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã đón nhiều khách, cả trong và ngoài nước. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã nhiều lần nhặt được của rơi như hộ chiếu, vé máy bay, trang sức... và đều trả lại tận tay khách. Chúng tôi luôn khen thưởng, động viên kịp thời những trường hợp như vậy.

Tại buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, một số cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã đến tham dự để mỗi người có thêm cảm xúc, có thêm trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian tới", ông Phan Duy Thắng chia sẻ.

10:53 20/09/2019

Để có một Thủ đô Hà Nội ngày một tươi đẹp như hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của những người làm công tác quy hoạch. Một trong những người đó là ông Phan Tuấn Vinh, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội.

Ông Phan Tuấn Vinh đã trực tiếp chủ trì và tham gia nhiều đồ án quy hoạch được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2011 đến năm 2013, ông đã chủ trì 2 đồ án đã được UBND thành phố phê duyệt là Quy hoạch chi tiết Khu đô thị - Công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội và Quy hoạch Phân khu đô thị S5. Năm 2012, ông đạt giải Nhất với Đồ án Quy hoạch đô thị trong cuộc thi do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức, giải A của Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội về tác phẩm quy hoạch. Năm 2015, ông vinh dự nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp thành phố. Năm 2017, 2018, ông được giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Hà Nội về đồ án quy hoạch. 

Độc giả Lê Thanh Bình (binhlt@gmail.com) hỏi:Xin ông chia sẻ những tâm niệm của bản thân trong quá trình công tác, rèn luyện và phấn đấu của mình?

Ông Phan Tuấn Vinh: Tôi về công tác tại Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội từ năm 1997 đến nay. Trong suốt quá trình công rác, rèn luyện, có nhiều nhiệm vụ, nội dung trọng tâm, trọng điểm khiến tôi luôn đặt yêu cầu cho bản thân phải phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nâng cao chuyên môn, cống hiến hy sinh, nâng cao các kỹ năng mềm khác để phục vụ công việc.

Ông Phan Tuấn Vinh (giữa).

Qua 22 năm công tác, tôi được chứng kiến nhiều cô, chú, anh, chị nghỉ hưu theo chế độ hoặc luân chuyển công tác; các bạn trẻ sau thời gian đào tạo đã chuyển công tác… vẫn luôn là cánh tay nối dài của Viện. Họ tiếp tục tương tác, cập nhật, trao đổi thông tin, chia sẻ những công nghệ mới và tình hình triển khai thực tiễn để chúng tôi có thông tin triển khai công việc của mình. Đặc biệt, kinh nghiệm từ những cán bộ nghỉ hưu đã giúp chúng tôi hoàn thành được nhiều việc khó.

Tôi luôn tâm niệm xây dựng tinh thần đoàn kết trong cơ quan đơn vị, tập thể. Theo tính chất công việc, khi thực hiện đồ án được giao, luôn có nhiều bộ phận tham gia. Công việc liên quan đến nhiều người trong đơn vị. Do đó, nếu không có tinh thần đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, phát huy trí tuệ của từng cá nhân để tạo thành sức mạnh tập thể thì không thể hoàn thành công việc đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị.

Sau khi vượt qua được việc khó thì chúng tôi đều vui vì cá nhân mình trưởng thành, học hỏi được nhiều. Qua công việc, nhờ sự đoàn kết, chúng tôi dần dẹp bỏ cái tôi cá nhân ích kỷ, hẹp hòi để hướng tới xây dựng tập thể vững mạnh, tất cả vì mọi người, mọi người lại vì mỗi cá nhân. 

Tôi cũng tâm niệm, khi xây dựng tinh thần đoàn kết tốt trong cơ quan, đơn vị thì sẽ tạo nên nét đẹp văn hóa công sở. Tôi hiểu rằng ai khi đi làm cũng mong muốn được cơ quan đào tạo, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, được giao lưu, học hỏi, mở rộng mối quan hệ, được quan tâm về đời sống vật chất, tinh thần… Xuất phát từ tâm tư chung của tất cả mọi người như thế, tôi cùng anh chị em trong cơ quan thường xuyên chia sẻ, quan tâm, tổ chức các lớp học, tạo điều kiện cho các cán bộ, công nhân viên tự học hỏi, nâng cao trình độ. 

Những thành tích tôi đạt được chỉ là phần công sức nhỏ, bởi như tôi đã nói, do tính chất công việc, những đồ án quy hoạch mà Viện đã thực hiện đều là công sức của tập thể.

10:48 20/09/2019

Bà Nguyễn Khánh Ly, Phóng viên Ban Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Hànộimới luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao; đạt thành tích cao trong các cuộc thi báo chí của thành phố Hà Nội.

Cụ thể: Loạt bài viết “Hai năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII: Nhân lên những giá trị tốt đẹp đã đoạt giải A - Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Loạt bài viết cũng đã lọt vào vòng Chung khảo Giải báo chí Xây dựng Đảng toàn quốc “Búa Liềm Vàng” năm 2018 và được Hội Nhà báo TP Hà Nội trao giải Khuyến khích. Bà đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội năm 2014; Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội năm 2018; Giấy khen của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội năm 2018; Giấy khen của Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội năm 2018.

“Xin bà chia sẻ về những kinh nghiệm để hoàn thành tốt công tác chuyên môn trong thời gian vừa qua?”, độc giả Nguyễn Hải Đường (quận Đống Đa) hỏi.

Bà Nguyễn Khánh Ly (bìa phải) và bà Trần Hồng Vân.

Bà Nguyễn Khánh Ly: Cách đây 8 năm, tôi làm việc ở một ban chuyên môn khác của Báo Hànộimới và 2 năm gần đây, tôi mới được Ban Biên tập phân công về Ban Nội chính, theo dõi lĩnh vực Xây dựng Đảng và trực tiếp làm chuyên mục “Làm theo lời Bác”. Sự thay đổi công việc này khá mới mẻ nên tôi cũng gặp không ít khó khăn.

Nhiệm vụ chính của Ban Nội chính là theo sát thời sự, đưa tin hoạt động của các lãnh đạo thành phố. Công việc không có ngày nghỉ, lại là người có con nhỏ, nên đòi hỏi tôi phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng tôi may mắn nhận được sự động viên, hỗ trợ của các đồng nghiệp trong Ban, cùng với sự phân công nhiệm vụ hợp lý của lãnh đạo Ban nên tôi đã được đi, được tiếp xúc với rất nhiều tập thể, cá nhân là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Chính họ đã truyền toả năng lượng tốt cho tôi, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.

10:36 20/09/2019

Bà Trần Hồng Vân, Phó Trưởng ban Báo Điện tử, Báo Hànộimới được kết nạp Đảng ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, hiện đang hoạt động rất năng nổ và đạt nhiều thành tích cao trong công tác dù tuổi đời còn rất trẻ. Bà đã cùng với nhóm phóng viên của mình đoạt nhiều giải thưởng báo chí như: Giải Nhì Giải báo chí Ngô Tất Tố thành phố Hà Nội năm 2017; giải A Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I năm 2018 của thành phố Hà Nội; giải Nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố thành phố Hà Nội năm 2018; giải C Giải báo chí quốc gia năm 2018. Bà cũng được tặng Bằng khen của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội các năm 2003, 2018, 2019; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. 

Độc giả Lê Hương Giang (quận Hà Đông) hỏi:Xin bà chia sẻ bí quyết học tập và rèn luyện để đạt được nhiều thành tích trong quá trình công tác?

Bà Trần Hồng Vân: Các kết quả mà tôi đạt được đều là kết quả của tập thể và tôi chỉ là một cá nhân trong tập thể đó. Tại khán phòng này có rất nhiều đồng nghiệp đã sát cánh cùng tôi để chúng tôi đạt được những kết quả tốt trong công việc. Và một động lực lớn giúp tôi hoàn thành được công việc của mình, đó là trong cuộc sống và trong công việc, tôi luôn được tiếp xúc với những người truyền cho tôi nhiều cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực. Nguồn năng lực đó giúp nhân lên những điều tốt đẹp, những lực đẩy để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Những người tốt, việc tốt mình gặp, mình thấy hằng ngày là lực đẩy để tôi thay đổi, sống tốt hơn, tích cực hơn mỗi ngày. Những câu chuyện được các gương Điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt tham gia cuộc giao lưu hôm nay chia sẻ đã mang đến cho tôi rất nhiều điều hay, điều tốt đẹp. Qua câu chuyện của mỗi người, tôi thấy mình nhỏ bé hơn và những năng lượng tích cực từ mọi người lại giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục nỗ lực hơn nữa.

10:15 20/09/2019

Học tập tấm gương vĩ đại và cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Cao Sỹ Huy, nhân viên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Phó Chủ nhiệm CLB Hoa ưu đàm dành hết sức mình để phục vụ cộng đồng. Gần 2 năm nay, ông đã đến các bệnh viện như: Bệnh viện nhi Trung ương, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Viện Huyết học truyền máu Trung ương và hóa thân thành "chú người nhện" có sức mạnh phi thường để đem niềm vui đến cho các bệnh nhi nhỏ tuổi. 

Trong trang phục siêu anh hùng với các động tác võ thuật, nhào lộn..., ông Cao Sỹ Huy đã giúp các em bé đang phải điều trị ung thư có thêm niềm tin và sức mạnh chiến đấu với bệnh tật. Nhóm của ông còn tổ chức chiếu phim, tổ chức tiệc sinh nhật hằng tháng cho các bé, trao tặng xe lăn cho các bệnh nhi, tặng tranh trang trí hành lang bệnh viện, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân… 

 “Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc nhất trong quá trình hóa thân thành "siêu nhân" cũng như cảm xúc của mình khi thấy nụ cười nở trên môi những em bé ở các bệnh viện?” - độc giả Đàm Lê Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi. 

Ông Cao Sỹ Huy: Cách đây hơn 3 năm, CLB Hoa ưu đàm được thành lập, hướng về các bệnh nhân ung thư ở Hà Nội. Các thành viên trong CLB mỗi khi đến chơi, giúp đỡ các bệnh nhân nhỏ đều mặc các bộ đồ siêu nhân, vì các em rất thích và tiếp xúc thân thiện.

Và cách đây hơn 1 năm, trong dịp nhóm đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tổ chức sinh nhật cho các bé tại đây, thay vì chỉ khoác lên mình bộ đồ siêu nhân, tôi đã đóng vai người nhện, làm các động tác giống người nhện để chơi với các bé. Các bé ùa ra rất vui vẻ, sung sướng, vì đã xem người nhện trên phim nhưng chưa được gặp ngoài đời. Các bé muốn trò chuyện, chụp ảnh, hóa thân thành người nhện... Vậy là CLB đã tặng mỗi bé một bộ quần áo hóa trang như vậy. Các bé đòi bố mẹ cho mặc luôn... Với những bệnh nhi ung thư, bố mẹ nào cũng muốn con mình trở thành siêu nhân, mạnh mẽ để chống chọi với các đợt hóa trị. Đó là động lực để chúng tôi mong muốn được chia sẻ nhiều hơn nữa với bố mẹ và các em.

Độc giả Trần Minh Tuấn (quận Hà Đông) hỏi:Trong thời gian tới, ông và CLB sẽ tiếp tục làm gì để động viên và chia sẻ nỗi đau với những trẻ thiếu may mắn đó?

Ông Cao Sỹ Huy: Hiện tại CLB tổ chức chương trình tặng xe lăn, cắt tóc cho bệnh nhân lớn và bệnh nhi. Sắp tới, chúng tôi muốn làm nhiều chương trình hơn nữa để giúp đỡ các em nhỏ.

Qua tiếp xúc với bệnh nhân ở bệnh viện, tôi nhận thấy các nhà hảo tâm tặng quà hoặc ủng hộ về vật chất rất nhiều cho các bệnh nhi, nhưng với những bệnh nhân là người trưởng thành, họ chưa nhận được nhiều sự chia sẻ để có thêm niềm vui, niềm lạc quan trong quá trình chữa bệnh. Vì bị bệnh, nên họ thường khó chịu, hay cáu gắt. CLB chúng tôi đang phấn đấu là cầu nối giữa bệnh nhân với bác sĩ và nhà hảo tâm, để bệnh nhân chia sẻ được tâm tư, nguyện vọng và nhận được sự hỗ trợ của các y bác sĩ cũng như những nhà hảo tâm, từ đó lạc quan hơn để điều trị bệnh.

Nhóm PV