Thương hiệu cho nông sản Hà Nội: “Chìa khóa” mở cánh cửa thị trường
Nông nghiệp - Ngày đăng : 02:22, 20/09/2019
Thương hiệu nâng tầm giá trị sản phẩm
Năm 2014, thương hiệu nhãn chín muộn Hà Nội được triển khai xây dựng, gồm nhãn chín muộn Quốc Oai và nhãn chín muộn Hoài Đức. Theo ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức), mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 5-6 tấn nhãn chín muộn và đã có 2 tấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bán cho doanh nghiệp với giá tại vườn từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với khi chưa xây dựng thương hiệu.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đan Phượng mở rộng được 345ha trồng bưởi tôm vàng và sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Ông Đỗ Văn Thủy, ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) có 100 gốc bưởi tôm vàng, cho biết, từ khi có thương hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều, nông dân bán được giá cao hơn, thương lái đến tận vườn đặt hàng trước khi thu hoạch từ 2 đến 3 tháng. Với 100 gốc bưởi của gia đình, giá bán trung bình từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/quả, mỗi năm cho thu nhập khoảng 700-800 triệu đồng.
Cũng từ việc xây dựng thương hiệu, một số sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đã xuất khẩu được sang một số nước, mang lại giá trị cao cho người dân. Bà Phùng Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam cho biết: "Vừa qua, công ty đã xuất khẩu khoảng một tấn nhãn chín muộn Hà Nội sang thị trường Australia. Dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng việc này cho thấy, quả nhãn của Hà Nội hoàn toàn có khả năng chinh phục thị trường quốc tế, kể cả thị trường khó tính như Australia hay châu Âu, Mỹ...".
Đánh giá về hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định, hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu nông sản, được bảo hộ thương hiệu. Trong đó nhiều loại đặc sản mang hương vị riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cam Canh, bưởi Diễn, tương Cự Đà, gà đồi Ba Vì, vịt cỏ Vân Đình, bưởi tôm vàng Đan Phượng, nếp cái hoa vàng Đông Anh... Từ việc tạo dựng thương hiệu, giá trị nông sản của Hà Nội tăng 20-25% so với khi chưa có thương hiệu và mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho người sản xuất.
Để chinh phục thị trường trong nước và thế giới
Thực tế cho thấy, không chỉ nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu nông sản còn giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, như: Quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch vẫn hết sức thủ công nên chất lượng không đồng đều… Chưa kể, sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị… dựa vào cảm quan là chính nên rất khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, cách thức sản xuất ở nhiều địa phương vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ nên quá trình triển khai cho người dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu gặp khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có thương hiệu “Vịt cỏ Vân Đình”, nhưng sản phẩm chủ yếu "tự sản tự tiêu" nên một số hộ dân chưa mặn mà với nhãn hiệu hàng hóa.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương chia sẻ: "Mặc dù định vị thương hiệu mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp, nhưng đến nay Hà Nội mới có khoảng 40/100 sản phẩm truyền thống được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu". Nguyên nhân là chính quyền cơ sở và người dân chưa thấy hết tầm quan trọng của việc xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu nông sản.
Mặt khác, công nghệ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn kém, nên một số sản phẩm có thương hiệu nhưng 70% là bán cho thương lái, giá bấp bênh. Bên cạnh đó, cũng do kỹ năng kinh doanh, thương mại và tiếp thị sản phẩm của người dân còn yếu nên một số mặt hàng dù đã có thương hiệu nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả trên thị trường.
Để nâng cao vị thế của nông sản Hà Nội ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thúc đẩy liên kết “4 nhà” để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản; tập trung phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực để hình thành vùng nguyên liệu ổn định…
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết: Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, Hội Nông dân thành phố đã yêu cầu các cấp hội hằng năm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng từ 1 đến 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp truyền thống và mô hình chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Liên quan đến những giải pháp căn cơ cho việc xây dựng thương hiệu nông sản Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ tiết lộ, Sở đã và đang xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản.
Mặt khác, các sở, ngành của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, nhãn mác bao bì sản phẩm, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất. Với các địa phương, nên chủ động lựa chọn nông sản có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, việc phát triển, xây dựng thương hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và như nhiều người vẫn nói, việc này chính là "mạ vàng" cho nông sản.
Để làm được điều đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của thành phố, huyện, người nông dân cần thay đổi tư duy, thay vì “ăn xổi ở thì”, cần giữ chữ “tín”, “làm thật” để “ăn thật”, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Đây chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa thị trường, để nông sản Thủ đô chinh phục người tiêu dùng trong nước và thế giới.