Bài 4: Bài học từ việc huy động nguồn lực
Nông nghiệp - Ngày đăng : 03:27, 20/09/2019
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, trong đó, nhóm tiêu chí về hạ tầng đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện. Thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, gần 10 năm qua, thành phố đã huy động được hơn 76.451 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới từ ngân sách trung ương, thành phố, huyện, xã và từ việc xã hội hóa.
Với nguồn vốn này, hàng nghìn công trình hạ tầng nông thôn đã được đầu tư, xây dựng đồng bộ, khang trang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo diện mạo mới cho nông thôn Thủ đô.
Triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh đã huy động được hơn 7.500 tỷ đồng, trong đó 5.217 tỷ đồng là vốn ngân sách huyện. Chủ tịch UBND huyện Lê Trung Kiên cho biết, nguồn vốn có được phần lớn từ việc địa phương đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) Trần Văn Cường, từ năm 2010, được sự chấp thuận của huyện, xã Nam Hồng đã quy hoạch 7 điểm đất xen kẹt trong khu dân cư với diện tích hơn 5.800m2 để đấu giá quyền sử dụng, thu về gần 120 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, xã đã đầu tư hàng chục công trình như: Bê tông hóa đường ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng hạ tầng khu chuyển đổi trồng rau sạch... đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.
Cũng trong gần 10 năm qua, thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 14.740 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng nguồn vốn huy động. Trong đó, huyện Chương Mỹ huy động được hơn 1.791 tỷ đồng, Hoài Đức hơn 1.291 tỷ đồng, Sóc Sơn hơn 1.222 tỷ đồng…
Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong niềm vui đó, ông Nguyễn Trung Trực, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) cho biết: “Hưởng ứng phong trào làm đường ngõ xóm trong giai đoạn 2016-2020, gia đình tôi đã hiến 43m2 đất thổ cư (trị giá trên 50 triệu đồng) cùng 25 ngày công làm đường liên xã”.
Theo Trưởng xóm Giữa, thôn Xuân Dục (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn) Trần Văn Phục, đường xóm Giữa trước đây chỉ rộng khoảng 2,8m. Với sự tuyên truyền, vận động của địa phương, đã có 19 hộ hiến đất với tổng diện tích gần 320m2 và mặt đường được mở rộng thành 4m; người dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động…, đến nay, đường xóm đã hoàn thành với chiều dài hơn 300m.
Đặc biệt, ghi dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội là phong trào “nội thành hỗ trợ ngoại thành”. Đến nay, 12 quận của thành phố đã hỗ trợ các huyện tổng kinh phí 633 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.
Bí thư Đảng ủy xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) Lương Thị Nghĩa xúc động, nói: “Thôn Tòng Lệnh có 700 hộ dân nhưng không có nhà văn hóa nên mọi hoạt động cộng đồng đều tổ chức ở đình làng, cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội nên các hoạt động cũng hạn chế. Năm 2018, quận Thanh Xuân đã hỗ trợ 2,5 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa thôn rộng 170m2 nằm trong khuôn viên 1.300m2. Công trình hoàn thành mang lại niềm vui cho người dân và giúp địa phương đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa”.
Chủ động, sáng tạo trong triển khai
Có thể nói, trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có cách làm hết sức bài bản, sáng tạo… Ngay khi ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Phó Trưởng ban Thường trực…
Và, trong 10 năm qua, Thành ủy đã tổ chức 55 cuộc kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã cũng như các sở, ngành liên quan, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế. Cùng với đó, Hà Nội ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch triển khai chương trình.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo đúng quy hoạch, có sự sắp xếp ưu tiên theo điều kiện của từng địa phương như tập trung làm trước các tiêu chí không cần nhiều kinh phí: Văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự… Đối với các dự án xây dựng cơ bản, thành phố ưu tiên đầu tư những công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh...
Với tinh thần đó, Đan Phượng đã vận dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, năm 2015 khi đồng loạt xây dựng giao thông nông thôn, huyện đã chủ động rà soát các tuyến đường ngõ xóm, các trục giao thông nội đồng và liên hệ với các đơn vị cung ứng xi măng, cát, sỏi... đề nghị ứng trước vật liệu kết hợp công lao động của nhân dân để xây dựng theo thiết kế, dự toán đã được phê duyệt.
Với cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, Đan Phượng đã hoàn thành việc xây dựng đường giao thông nông thôn với kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 50%, còn lại do người dân và doanh nghiệp đóng góp...
Với huyện Thanh Trì, nguyên Bí thư Huyện ủy Trần Văn Khương cho biết, huyện đã hỗ trợ thực hiện các đề án như: Chợ nông thôn, nhà văn hóa; các tuyến đường có mặt cắt rộng hơn 3,5m và ưu tiên hỗ trợ các xã khó khăn để tạo sự bứt phá.
Còn ở Gia Lâm, toàn bộ nguồn vốn người dân đóng góp dành vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại thôn, làng và tôn tạo các công trình văn hóa. Việc huy động xã hội hóa dựa trên tinh thần tự nguyện; quản lý, sử dụng nguồn vốn công khai, dân chủ thông qua ban phát triển thôn và ban giám sát đầu tư cộng đồng các thôn.
Có thể nói, chủ động sáng tạo trong triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã thu được nhiều thành công, mang lại diện mạo mới cho những vùng quê ở Thủ đô.
(Còn nữa)