Những nhân tố điển hình trong xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Ngày đăng : 10:20, 21/09/2019
Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường
Thay mặt nhân dân và cán bộ huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần đã tham luận về chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Gia Lâm và xây dựng làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Gia Lâm đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Huyện cũng đã xây dựng và triển khai Phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện gắn với Đề án đầu tư xây dựng, xã hội hóa hệ thống đường làng, ngõ, xóm, vườn hoa, sân chơi, ao hồ...; trong đó, tập trung xử lý, nâng cao chất lượng môi trường trong các khu dân cư, trong nông nghiệp. Qua đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Đối chiếu với quy định xây dựng huyện thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí.
Gia Lâm có nhiều làng nghề truyền thống: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… Huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020”, trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch...
Đặc biệt, làng nghề truyền thống Bát Tràng đã được UBND thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch; được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Với định hướng xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020-2025, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường...
Có giải pháp hạn chế tối đa việc nhập lậu nấm từ nước ngoài vào Việt Nam
Là doanh nghiệp tiên phong đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) đã tham luận về công tác đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo bà Dương Thị Thu Huệ, Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao là doanh nghiệp chuyên nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu đã được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện, đơn vị có diện tích 30.000m2 sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản. Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, công ty đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, ổn định, đáp ứng được quy trình kiểm định khắt khe của các tổ chức trong và ngoài nước.
Hiện nay, mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 1,5 - 2 tấn nấm kim châm, toàn bộ sản phẩm được cung cấp vào các hệ thống siêu thị Vinmart, BigC, Coopmart, Lotte, Aeon… và các cửa hàng thực phẩm sạch. Năm 2018, công ty đạt doanh thu 17 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 35 lao động địa phương, với mức lương từ 5 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Bà Dương Thị Thu Huệ bày tỏ: "Tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành có giải pháp hạn chế tối đa việc nhập lậu nấm từ nước ngoài vào Việt Nam để các doanh nghiệp không bị cạnh tranh với hàng nhập lậu kém chất lượng, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng".
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, rất hợp lòng dân
Là hộ gia đình tích cực tham gia đóng góp vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Đình Thiện, thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức đã tham luận về: Phát huy vai trò người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Đình Thiện khẳng định, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Thành công của chương trình đã làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nông dân được nâng cao.
Nhận thức xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, rất hợp lòng dân, gia đình ông tự thấy phải có trách nhiệm cùng với cộng đồng dân cư góp sức cùng nhà nước trong công cuộc này.
"Từ năm 2012 đến năm 2017, gia đình tôi đã hỗ trợ kinh phí và hiến 70m2 đất thổ cư để địa phương mở rộng khuôn viên, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Lăng đá Quận công Phạm Đôn Nghị; xây dựng cổng Đình Làng; trồng và chăm sóc cây xanh tại một số điểm công cộng trên địa bàn xã; xây dựng cổng nghĩa trang nhân dân của xã... Ước tính, kinh phí gia đình đã đóng góp cho xây dựng nông thôn mới ở xã Lại Yên là hơn 1 tỷ đồng...", ông Phạm Đình Thiện cho biết.
Ngoài đóng góp của gia đình, ông Thiện còn tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu dân cư cùng đóng góp ngày công để làm đường giao thông ngõ xóm; tham gia vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, trồng mới cây xanh tại các khu công cộng, khu di tích lịch sử văn hóa của địa phương, đóng góp tiền vào các quỹ phúc lợi...
Nhờ đó, đến nay, nhân dân trong khu dân cư thôn 1, xã Lại Yên đã xây mới 12 tuyến đường ngõ xóm đạt chuẩn nông thôn mới; trồng mới được hàng trăm cây xanh tại các khu công cộng; đóng góp hơn 200 ngày công làm vệ sinh môi trường; hơn 100 triệu đồng vào các quỹ phúc lợi của địa phương...