Kỳ vọng vào thành công tiếp theo trong nông thôn mới
Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:40, 21/09/2019
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng:
Mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất
Thành công lớn nhất sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, với huyện Đan Phượng chính là: Từ huyện thuần nông đã phát triển theo hướng đô thị sinh thái; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, với mức thu nhập bình quân 96 triệu đồng/người/năm, có 3 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2015. Một thành tựu khác của huyện là đã phát triển nhiều mô hình đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận, sản xuất phát triển...
Sau hội nghị này, huyện Đan Phượng kỳ vọng thành phố sẽ thay đổi các chính sách về đất đai, tích tụ ruộng đất, đặc biệt là cho phép sử dụng đất bãi sông Đáy và sông Hồng. Hiện nay, tiềm năng của vùng bãi này rất lớn nhưng đang vướng về quy hoạch thoát lũ sông Đáy, sông Hồng. Nếu có chính sách mới, sẽ giúp khai thác tiềm năng của vùng bãi này để phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân….
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn:
Tiếp tục có chính sách đột phá về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội của huyện Ứng Hòa đã được đầu tư theo hướng khang trang, kiên cố, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa và các thiết chế văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Huyện đã hình thành được các vùng sản xuất mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là thu nhập của nông dân, ngày càng nâng cao.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng do là huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng còn đạt tỷ lệ thấp, nên sau hội nghị này, huyện Ứng Hòa mong muốn trung ương và thành phố tiếp tục có chính sách đột phá về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp đời sống nông dân sẽ được nâng cao theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, huyện Ứng Hòa cũng mong muốn thành phố tiếp tục đầu tư hoặc có chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các công trình trường học.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Văn Huy:
Tập trung hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao
Từ huyện có xuất phát điểm thấp, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thường Tín có 24/28 xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Từ kết quả đạt được, huyện phấn đấu trong năm 2019 sẽ có thêm 4 xã cuối cùng hoàn thành chương trình, phấn đấu năm 2020 sẽ trở thành huyện nông thôn mới.
Giai đoạn 2020-2025, huyện Thường Tín sẽ tập trung đầu tư cho các xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, với mục tiêu tiếp tục nâng cao đời sống nông dân thông qua phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống của địa phương, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện kỳ vọng trong thời gian tới, trung ương và thành phố tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho người dân về tích tụ đất đai để người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập của người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Viết Sơn:
Kết quả xây dựng nông thôn mới như một giấc mơ
Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Mỹ Thành đã giành được nhiều kết quả quan trọng; trong đó, nổi bật là diện mạo nông thôn khởi sắc, thu nhập của người dân ngày càng tăng… Kết quả này giống như một giấc mơ của địa phương.
Sau hội nghị này, xã Mỹ Thành mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục có chính sách đột phá trong phát triển ngành, nghề nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện hạ tầng nông thôn...
Bà Bùi Thị Hường Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng):
Chủ động đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Huyện Đan Phượng có lợi thế nằm ven sông Hồng có đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, hệ thống giao thông thuận tiện cùng nhu cầu về hoa cao cấp… Khai thác thế mạnh này, hợp tác xã quyết định đầu tư vào sản xuất hoa cao cấp tại Hà Nội theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Hiện hợp tác xã đang triển khai dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố “Thiết kế, chế tạo, hệ thống thiết bị đồng bộ tạo môi trường phù hợp cho lan hồ điệp ra hoa theo ý muốn, chất lượng, hiệu quả cao theo quy mô công nghiệp năm 2016-2018”.
Hợp tác xã đã xây dựng thành công thương hiệu riêng “Flora Việt Nam”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền, giúp sản phẩm chiếm lĩnh thị trường, được tiêu thụ tốt hơn. Với cơ sở vật chất tiên tiến, 20.000m2 nhà lưới công nghệ cao, hợp tác xã sản xuất trung bình khoảng 800.000 cây hoa hồ điệp các loại, cho doanh thu 7 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn:
Dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong nông nghiệp
Trước khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xã Tân Hưng thuộc một trong 7 xã nghèo của huyện Sóc Sơn, thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 5,8 triệu đồng/người/năm.
Cuối năm 2009, xã Tân Hưng đăng ký tổ chức làm điểm dồn điền đổi thửa. Sau gần 2 năm thực hiện, xã đã hoàn thành công tác này ở 5/5 thôn, với tổng diện tích đo bao chỉ đạo dồn là 651ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 548ha; đào đắp 313,236m2 đường mương, lắp đặt 2.600 cống các loại. Tổng diện tích dôi dư sau dồn điền đổi thửa là 72ha được quy hoạch, thực hiện đào đắp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi.
Năm 2015, Tân Hưng hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 43,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,67%.
Ông Vũ Quang Tung, Bí thư Chi bộ xóm Ngang, thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín:
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Triển khai xây dựng nông thôn mới, Chi bộ đã tổ chức nhiều buổi họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và các đoàn thể, xác định những việc cần làm trước, những việc có lợi cho nhân dân... Mọi việc đều được thực hiện công khai, dân chủ. Cán bộ cơ sở phải đi sâu, đi sát, hiểu được tâm tư của nhân dân, phải đi trước, làm trước để nhân dân nhìn thấy, noi theo.
Từ công việc đầu tiên được hoàn thành với sự tham gia của 200 người dân, trong đó có cả những gia đình có 3 thế hệ cùng góp sức, đã tạo không khí phấn khởi trong toàn thôn. Nhân dân tiếp tục tổ chức họp, đưa ra các chương trình xây dựng đường làng, ngõ xóm để làm thay đổi bộ mặt nông thôn. 100% số hộ đồng tình ủng hộ hiến đất, góp tiền và ngày công để làm đường, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, xã Dũng Tiến đã đạt chuẩn nông thôn mới.