Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu: Hứa hẹn những khởi sắc
Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 22/09/2019
Nhân tố tiên phong
Những ngày này, làng văn hóa Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) đang gấp rút rà soát, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu để chuẩn bị cho đợt chấm điểm, bình xét của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Thanh Oai, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11-2019. 100% ngõ xóm, hộ gia đình đã được gắn biển đường, số nhà; 95% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, xóa cống rãnh lộ thiên. Địa phương cũng đã hoàn thiện việc nâng cấp nhà văn hóa đạt chuẩn, bổ sung dụng cụ tập luyện cơ bản cho sân tập thể thao cộng đồng; tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, rèn luyện sức khỏe...
Ông Bùi Đức Trạch, xóm Chùa, làng Hưng Giáo rất phấn khởi, tự hào trước những chuyển động ở địa phương sau thời gian phấn đấu xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Ý thức của người dân được nâng lên, từ việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm đến tuân thủ nội quy, quy ước của làng. “Chúng tôi đã bước đầu làm quen với việc phân loại rác; duy trì đường hoa sáng, xanh, sạch, đẹp… góp phần bảo vệ môi trường, tô đẹp cảnh quan nơi mình sống”, ông Bùi Đức Trạch chia sẻ.
Tại thôn Minh Kha (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), việc thực hiện xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu cũng đã gần cán đích, với nhiều kết quả ấn tượng. Trưởng thôn Minh Kha Nguyễn Kim Đài cho biết, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, 2km đường hoa, cây xanh đã hoàn thành, bãi tập kết rác thải được bố trí gọn gàng, bảo đảm vệ sinh môi trường... 66% đám tang ở thôn thực hiện hỏa táng, 100% đám cưới tổ chức gọn nhẹ, ấm cúng tại nhà văn hóa thôn...
Còn theo Trưởng thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) Bùi Văn An, các kết quả đạt được, từ những việc nhỏ, như hình thành thói quen đổ rác hằng ngày, vệ sinh đường làng, ngõ xóm hằng tuần; trồng hoa, cây xanh, gỡ mái che, mái vẩy, lối lên tự phát… đến những việc lớn hơn là quy hoạch bãi để xe, bãi chứa vật liệu xây dựng, gắn biển đường, số nhà, tu bổ di tích… đều nhờ phát huy dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
“Chúng tôi sửa đổi, bổ sung hương ước theo tiêu chí nông thôn mới và làng văn hóa kiểu mẫu gắn với các nội dung trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hằng tháng, thôn đều họp bàn, đánh giá những việc đã làm được, góp ý, nhắc nhở những việc còn tồn tại để các cá nhân, hộ gia đình rút kinh nghiệm cùng phấn đấu hoàn thiện”, ông Bùi Văn An cho hay.
Hưng Giáo, Minh Kha và Thị Nguyên là 3 trong 4 làng, tổ dân phố được huyện Thanh Oai lựa chọn thí điểm mô hình làng văn hóa kiểu mẫu từ năm 2018, cùng với tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài). Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết: Những đơn vị được chọn thí điểm đều là nơi điển hình về xây dựng đời sống văn hóa, có đời sống kinh tế ổn định và nhiều năm giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Tham gia xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, mỗi nơi được huyện hỗ trợ 250 triệu đồng và có cán bộ tư vấn triển khai các tiêu chí tại cơ sở. Với nhiều cách làm sáng tạo, sau một năm, nhiều tiêu chí của mô hình đã được các đơn vị cơ bản hoàn thiện, là cơ sở để huyện nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn trong những năm tiếp theo.
Lan tỏa mô hình, nâng nền văn hóa
Với mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới, huyện Thanh Oai hiện là địa phương đầu tiên trên toàn thành phố triển khai mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, với nhiều tiêu chí được lượng hóa, cao hơn so với tiêu chí xây dựng làng văn hóa ở giai đoạn trước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Huy Diệp khẳng định: Việc lựa chọn xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu là bước đột phá trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện, nhằm kích thích, lan tỏa phong trào, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương. Để hỗ trợ phong trào, huyện đã có nhiều chủ trương, định hướng, như: Không đấu giá đất xen kẹt trong khu dân cư, để địa phương chủ động khai thác làm sân chơi, điểm sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao; xây dựng các khu đặt tro cốt trong các chùa, góp phần khích lệ người dân thực hiện hình thức hỏa táng khi gia đình có việc hiếu...
Tham khảo mô hình làng văn hóa kiểu mẫu của huyện Thanh Oai, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho rằng, đây là mô hình rất đáng để tham quan, học tập, trên cơ sở đó xây dựng một mô hình tương tự, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương cũng như tiêu chí nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa.
“Làng văn hóa kiểu mẫu phải thật sự mẫu mực về các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh. Ngoài ra, phải tổ chức tuyên truyền tốt để người dân không chỉ đồng tình ủng hộ, mà còn coi việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu là việc của chính mình. Chỉ có như vậy, phong trào mới được duy trì, giữ được chất lượng theo đúng yêu cầu đề ra và mục đích hướng tới”, ông Nguyễn Trường Giang nhận định.
Đánh giá về những sáng tạo của huyện Thanh Oai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, từ mô hình mới trong xây dựng đời sống văn hóa này cho thấy những chuyển động tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Điều này mang đến những thay đổi tích cực trong quan niệm, thái độ, trách nhiệm về xây dựng đời sống văn hóa, từ đó có những cách làm tâm huyết để nâng nền văn hóa lên tầm cao mới, tiến tới lan tỏa mô hình ra các địa phương khác trên toàn thành phố, đúng với Kế hoạch 205/KH-UBND của UBND thành phố về nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 vừa được ban hành.
Mô hình làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thanh Oai được xây dựng dựa trên 4 tiêu chuẩn: Đời sống kinh tế ổn định, tăng trưởng bền vững; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Trong đó, có nhiều tiêu chí đã được lượng hóa, bổ sung, nâng chỉ tiêu so với việc xây dựng mô hình giai đoạn trước. Cụ thể, 100% đường làng được đổ bê tông, trải nhựa hoặc lát gạch; 100% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, các điểm tập trung đông người niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; có ít nhất 2 bãi đỗ xe tĩnh, 2 tuyến đường hoa dài 200-500m và 1 bãi tập kết vật liệu xây dựng...