Chung tay vì môi trường bền vững
Thế giới - Ngày đăng : 07:17, 22/09/2019
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào “Thứ sáu vì tương lai” do nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ tháng 8-2018. Các cuộc tuần hành môi trường quy mô lớn đã diễn ra với sự tham gia của hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trong hàng loạt sự kiện kêu gọi sự chú ý của quốc tế về tình trạng khí hậu khẩn cấp tại Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Trung Quốc...
Tại Australia, hơn 100.000 người đã tập trung ở nhiều thành phố lớn như thủ đô Canberra, Melbourne, Sydney để tham gia tuần hành và đưa ra 3 yêu cầu đối với chính phủ: Không triển khai các dự án khai thác than, dầu khí mới; dùng năng lượng tái tạo 100% và đạt đến xuất khẩu vào năm 2030; tài trợ cho quá trình chuyển đổi và tạo việc làm cho công nhân trong ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch. Hàng chục thành phố của Ấn Độ, Indonesia và nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng nước biển dâng cũng tham gia vào phong trào này.
Thời gian qua, Liên hợp quốc đã tích cực thúc đẩy và hỗ trợ các phong trào nhằm nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu, với sự tham gia và đóng góp quan trọng của thanh niên. Những nỗ lực của nữ sinh Greta Thunberg cùng nhiều nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi trên khắp thế giới không chỉ đánh thức người dân về sự cần thiết phải thay đổi mà còn cho thấy, tầng lớp thanh niên quan tâm nhiều hơn, ứng xử có trách nhiệm hơn với tương lai của bản thân và của hành tinh.
Hành động vì khí hậu cũng là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015 và được lựa chọn làm nền tảng cho Ngày Quốc tế hòa bình năm nay với chủ đề “Hành động khí hậu vì hòa bình”. Trọng tâm của dịp kỷ niệm này là thu hút sự quan tâm toàn cầu về tầm quan trọng của việc chống lại biến đổi khí hậu, từ đó chung tay bảo vệ và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế hòa bình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi toàn thế giới suy ngẫm về chủ đề năm nay, khi các hình thái thời tiết cực đoan, thảm họa tự nhiên đang diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn, châm ngòi cho các tranh chấp, xung đột đối với nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận kế hoạch giảm phát thải 45% trong thập niên tới và đạt mức phát thải 0% vào năm 2050. Thay vì những lời cam kết vô nghĩa, quan chức Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ chia sẻ những ví dụ, mô hình cụ thể và có thể nhân rộng về cắt giảm khí thải nhà kính để đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai sạch, an toàn và xanh hơn.
Không khó để nhận thấy sự tàn phá khủng khiếp do các đám cháy rừng nghiêm trọng tại Amazon, nắng nóng bất thường liên tiếp tại khu vực Bắc Bán cầu trong mùa hè, hàng loạt siêu bão đổ bộ và vô số thảm họa khác. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ khiến Trái đất phải hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, bão lụt và các hình thái thời tiết cực đoan khác vốn đã rất nghiêm trọng. Thực trạng này đòi hỏi các chính phủ và người dân phải chung tay hành động, bởi biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đẩy nhân loại ngày càng xa mục tiêu ổn định và bền vững.