Hà Nội tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí

Đời sống - Ngày đăng : 19:40, 22/09/2019

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Trạm quan trắc không khí tự động tại Trung Yên 3 (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Mai

Ngày 22-9, thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, nhận được thư đề nghị của GIZ tại Hà Nội, để tiếp tục triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng không khí, UBND thành phố đã đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do GIZ hỗ trợ lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối tiếp tục phối hợp với tổ chức GIZ, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan hiệu chỉnh dữ liệu 18 thiết bị cảm biến theo các trạm quan trắc cố định của thành phố đảm bảo dữ liệu chính xác; công bố dữ liệu chất lượng không khí của các trạm cảm biến trên trang http://moitruongthudo.vn và các ứng dụng điện thoại thông minh, các bảng thông tin điện tử tại các trụ sở, khu vực công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sau khi các thiết bị đã hoạt động ổn định.

Ngoài hoạt động trên, trong tuần từ 16 đến 20-9-2019, UBND thành phố còn có nhiều hoạt động chỉ đạo, điều hành nổi bật khác:

Tập trung thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND về ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn, yêu cầu các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em phải được phát hiện và giải quyết kịp thời, dứt điểm theo quy định pháp luật; 100% trẻ em trong các vụ việc được phát hiện, can thiệp, trợ giúp hiệu quả.  

Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc xảy ra các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường. Công an thành phố chịu trách nhiệm về tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm việc xảy ra các tình trạng không kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn.

Về việc xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em, từ năm 2015 đến tháng 6-2019, thành phố đã xử phạt hành chính 23 vụ về xâm hại trẻ em với 42 đối tượng. 6 tháng đầu năm 2019, thành phố xử phạt hành chính 4 vụ với 12 đối tượng. Các trường hợp chưa đến mức khởi tố; chỉ xử phạt hành chính và nhắc nhở, yêu cầu cam kết không tái phạm.

Thành phố có ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh

Tại Kế hoạch số 211/KH-UBND chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai 11 giải pháp nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên diện rộng.

Trong đó, thành phố thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; quản lý, kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông cũng như tại các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cao và tại các chợ buôn bán gia cầm sống. 

Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh, 20 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. 

Giải tỏa các bến thủy nội địa, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép ven sông

Nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng các bến thủy nội địa, bãi tập kết, trung chuyển vật tư, vật liệu xây dựng không phép ven sông, UBND thành phố đã ban hành văn bản số 4025/UBND-ĐT chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng đất làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn.

Các đơn vị thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên địa bàn và phối hợp xử lý tại vùng giáp ranh với địa phương khác; trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp trên để xử lý.

Một số sở, ngành được giao thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, Công an thành phố tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát sỏi, phương tiện khai thác, vận chuyển cát sỏi; phối hợp với công an các tỉnh giáp ranh kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh, lẩn trốn gây khó khăn cho lực lượng chức năng. 

Trước ngày 5-10, báo cáo kết quả giải quyết 10 vụ vi phạm pháp luật về đê điều 

Xét báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8-2019, trên địa bàn thành phố phát sinh 10 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, tăng 4 vụ so với tháng 7-2019, trong đó tại quận Bắc Từ Liêm phát sinh 4 vụ; huyện Ba Vì 2 vụ; các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai mỗi huyện phát sinh 1 vụ. 

Trước thực trạng trên, tại văn bản số 4062/UBND-KT, UBND thành phố chỉ đạo chủ tịch UBND các quận, huyện có liên quan tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật đê điều xảy ra trong tháng 8-2019 theo đúng quy định, báo cáo UBND thành phố trước ngày 5-10 tới.

Lãnh đạo UBND thành phố tiếp 49 lượt công dân

Ngày 17-9, tại trụ sở Tiếp công dân thành phố, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 9-2019 theo quy định của Luật Tiếp công dân. Kết thúc ngày làm việc, các đồng chí chủ trì đã tiếp 49 lượt với 108 công dân; 3 đoàn khiếu kiện đông người và nhận 65 đơn. 

Căn cứ các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, các đồng chí chủ trì buổi tiếp yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Đối với các vụ khiếu kiện đông người, cần tập trung rà soát, tổ chức tiếp, đối thoại với công dân, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, không để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kéo dài; kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương. 

T.Hoa