Ứng dụng STEAM trong giáo dục là nhu cầu thiết yếu của thế kỷ XXI
Giáo dục - Ngày đăng : 12:05, 23/09/2019
tại Việt Nam.
Đó là quan điểm Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen tại Diễn đàn ứng dụng phương pháp STEAM trong giáo dục diễn ra ngày 23-9, tại Hà Nội.
Diễn đàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Đại sứ quán Đan Mạch và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.
Chia sẻ về triển khai STEAM tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
"Tuy nhiên, giáo dục STEAM vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều địa phương. Ở các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, giáo dục STEAM đã bước đầu được tiếp cận và triển khai. Một số trường không có điều kiện, nhiều thầy cô giáo, với sự hỗ trợ của ban giám hiệu, cha mẹ học sinh phải nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, phát huy những hiểu biết về STEAM để xây dựng các hoạt động dạy học làm cho bài dạy hấp dẫn hơn với học sinh", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định.
Tại diễn đàn, Đại sứ Kim Højlund Christensen nhấn mạnh tầm quan trọng của STEAM đối với thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và nêu quan điểm: Mục đích chính của STEAM không phải đào tạo ra các nhà khoa học mà là truyền cảm hứng học tập, giúp học sinh thấy được sự kết nối giữa các nội dung kiến thức, đặc biệt kiến thức về khoa học, toán học.
“Chưa bao giờ thích hợp hơn lúc này để triển khai STEAM tại Việt Nam. Việt Nam đang đánh giá cao phương pháp giáo dục này. Hy vọng, Bộ GD-ĐT có hành động và chính sách cụ thể để triển khai một cách đồng bộ giáo dục STEAM. Điều này không dễ vì liên quan đến đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy học, nên rất cần có một khung chương trình để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu này”, Đại sứ Kim Christensen nói.
STEAM là phương pháp tiếp cận liên môn trong giáo dục các môn học khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật và toán học nhằm định hướng các em học sinh bằng các câu hỏi, trao đổi nhóm và tư duy phản biện. Phương pháp này thông qua các trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp các em có được những kỹ năng như cân nhắc rủi ro, giải quyết vấn đề, hợp tác và làm việc sáng tạo.