Triển lãm về Tutankhamun huyền thoại lập kỷ lục mọi thời đại tại Pháp
Văn hóa - Ngày đăng : 14:06, 23/09/2019
Ngày 22-9, triển lãm về lịch sử cuộc đời Pharaoh Ai Cập Tutankhamun (hay còn gọi là Vua Tut) mang tên "Tutankhamun: Treasures of the Golden Pharaoh" (Tutankhamun: Kho báu của Pharaoh) đã lập kỷ lục mọi thời đại tại Pháp, khi số liệu thống kê cho thấy 1,42 triệu lượt du khách đã tới tham quan triển lãm đang diễn ra tại Paris này.
Số lượng khách đến với triển lãm này đã phá sâu kỷ lục trước đó, cũng do một triển lãm về Vua Tut mang tên "Tutankhamun and His Times" (Tutankhamun và Thời đại của Người) xác lập năm 1967, với 1,24 triệu lượt người tham quan tại Paris.
Được ban tổ chức mô tả là chương trình "một lần trong đời", triển lãm "Tutankhamun: Kho báu của Pharaoh" giới thiệu tới công chúng hơn 150 báu vật từ lăng mộ của Vua Tut - trong đó 60 hiện vật lần đầu tiên được chính quyền Cairo cho phép đưa ra khỏi lãnh thổ Ai Cập.
150 cổ vật này được chọn lọc kỹ càng tái hiện lịch sử cuộc đời của Pharaoh Tutankhamun, sinh vào khoảng năm 1342 trước Công nguyên, lên ngôi vua năm 8 tuổi và qua đời khi mới 18 tuổi.
Du khách sẽ được ngắm nhìn từ các vật dụng của Tutankhamun, thời thơ ấu, khi trị vì, cho tới các món đồ tháp tùng vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập cổ đại trong chuyến lữ hành đi tìm cuộc sống vĩnh hằng bên kia thế giới.
Từ ngai vàng, bình hoa, hòm rương, đồ trang sức, các bức tượng, đến những đồ vật mang tính nghi lễ, tôn giáo đều lung linh ánh vàng.
Điều đáng tiếc là hai cổ vật có thể coi là “át chủ bài” để thu hút du khách là xác ướp của Pharaoh và mặt nạ tang lễ đúc từ 111kg vàng đậy trên quan tài chứa xác ướp của Tutankhamun lại không được trưng bày tại triển lãm.
Lý do là vì xác ướp của Tutankhamun dễ vỡ, dễ hỏng nên không thể vận chuyển khỏi Ai Cập, còn mặt nạ vàng ròng thì giờ đây đã bị cấm “xuất cảnh”.
Tuy nhiên, du khách vẫn có thể phát huy trí tưởng tượng khi ngắm nhìn bản sao của mặt nạ. Và bù lại, du khách cũng được chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm chưa từng được giới thiệu cho công chúng, ngay cả ở Ai Cập, chẳng hạn tượng những người lính canh gác phòng tang lễ trong hầm mộ Tutankhamun.
Ngoài ra, khách tham quan cũng có cơ hội chiêm ngưỡng một cổ vật quý thuộc sở hữu của Bảo tàng Louvre (Paris). Đó là tượng thần Amon, vị thần bảo hộ Pharaoh Tutankhamun, một trong những tác phẩm có giá trị nhất trong bộ sưu tầm Ai Cập cổ đại của Louvre.
Theo Bộ Cổ vật Ai Cập, đây là số lượng cổ vật thời đại Vua Tut lớn nhất từng rời Cairo. Sau triển lãm ở Paris, bộ sưu tập tuyệt vời có một không hai này sẽ lần lượt "ghé thăm" London (Anh) và Sydney (Australia) cùng một số thành phố khác trên thế giới (cho đến nay vẫn chưa được công bố) trước khi trở về Ai Cập mãi mãi vào năm 2024.
Các cổ vật được trưng bày nằm trong số hơn 5.000 cổ vật được nhà khảo cổ Howard Carter tìm thấy nguyên vẹn vào năm 1922, trong một hầm mộ hiếm hoi chưa từng bị xâm phạm trước đó tại Thung lũng của các vị vua.
Chưa có hầm mộ của Pharaoh nào được tìm thấy với nhiều cổ vật như hầm mộ của Tutankhamun. 150 cổ vật cho đến trước triển lãm được lưu giữ và trưng bày tại một bảo tàng ở quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo.
Khi trở lại Ai Cập vào năm 2024, các cổ vật sẽ được trưng bày vĩnh viễn tại bảo tàng mới có tên gọi Đại Bảo tàng Ai Cập, gần kim tự tháp Giza. Khoản tiền thu được từ triển lãm "Tutankhamun: Kho báu của Pharaoh" tại các nước sẽ được đóng góp cho việc xây dựng và hoạt động của Đại Bảo tàng Ai Cập.
Ngoài ra, một trong những mục tiêu lớn khác của nhà chức trách Ai Cập khi đưa các cổ vật vô giá rời đất nước đi chu du vòng quanh thế giới còn là nhằm thu hút sự chú ý của công chúng toàn cầu đối với nền văn minh Ai Cập cổ đại.