Hiệu quả công việc làm thước đo chính
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 24/09/2019
Nhận thức rõ bất cập trong việc đánh giá cán bộ; vị trí, vai trò của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao của thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU ngày 8-11-2017 về “Quy định đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý". Quy định gồm 3 chương, 11 điều đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá theo từng chức danh cán bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, tổ chức Đảng. Trong đó, thay vì đánh giá tất cả cán bộ diện quản lý trước đây, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân cấp, ủy quyền cho các đồng chí trong Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc… Đặc biệt, tiêu chí để “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được siết chặt so với trước, bảo đảm thực chất.
Những điểm mới này đã giúp công tác đánh giá cán bộ theo hướng lấy chất lượng công việc làm công cụ, thước đo chính đã phát huy tác dụng. Điều đó thể hiện qua kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội của các địa phương và hiệu quả quản lý, cải cách hành chính của các sở, ban, ngành trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để hệ thống chính trị và nền hành chính của Thủ đô phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần nhân rộng những tiêu chí đánh giá cán bộ theo Quyết định số 2898-QĐ/TU ở cấp quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành, thậm chí ở cả cấp cơ sở.
Bởi hiện nay, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Nghị định số 88/2017/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Với các cơ quan Đảng, việc đánh giá đảng viên được thực hiện theo Quyết định số 132-QĐ/TƯ ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị “Về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”. Các văn bản này được cho là có điểm chưa cụ thể, chi tiết, đặc biệt là khi áp dụng vào đặc thù của thành phố Hà Nội.
Một điểm cần lưu ý, nguyên tắc quan trọng để đánh giá cán bộ hằng năm là phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính, nhưng vẫn có khó khăn bởi những đặc trưng của một công việc khó định lượng, đó là lãnh đạo, chỉ đạo. Để đánh giá cán bộ đúng thực chất, điều kiện tiên quyết là cần xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá theo hướng lượng hóa tối đa, xác định cụ thể công việc, các giải pháp sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong quá trình đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo nói riêng; cán bộ, công chức, viên chức nói chung cần tiếp tục mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình; bảo đảm công khai, khách quan. Đặc biệt, cần coi trọng việc lấy ý kiến rộng rãi, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp... trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức; qua đánh giá nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện chức trách được giao.
Người xưa có câu: “Dụng nhân như dụng mộc”. Chỉ có đánh giá đúng thực chất phẩm chất, năng lực của cán bộ, mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… khách quan, chính xác, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Thủ đô “vừa hồng, vừa chuyên”.