Thủ tướng lưu ý 6 nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 13:16, 24/09/2019
Đồng chủ trì hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Trung ương Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngành cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam.
Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Luật Đầu tư năm 2005 và năm 2014 xác định cơ khí chế tạo là một trong những lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế như sản phẩm cơ khí Việt Nam có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao, thiếu sự cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Còn thiếu những doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của ngành. Ngành Cơ khí mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động hiện khoảng 25.014 doanh nghiệp, với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động.
Tuy nhiên, trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 - 3 thế hệ. Các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế là do các điểm nghẽn về thị trường, năng lực của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách đặc thù. Cụ thể là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định bổ sung, sửa đổi và tổ chức lại Ban Chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ đã được thành lập từ các nhiệm kỳ trước; xem xét, sửa đổi bổ sung một số cơ chế chính sách để xây dựng và bảo vệ thị trường nội địa của cơ khí trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Đồng thời, Chính phủ bổ sung chính sách và biện pháp kiểm soát tối đa việc cho nhập khẩu máy, dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện vận tải, hàng hóa đã qua sử dụng để bảo vệ sức mua cho thị trường nội địa..
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất giải pháp, Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để đầu tư máy móc nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp…
Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao năng lực thông qua việc đào tạo nhân lực, tuyển dụng…
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành cơ khí. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã ban hành các kết luận, nghị quyết về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, trong đó trọng điểm là ngành cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng lưu ý 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành cơ khí trong thời gian tới.
Một là, hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp cơ khí phát triển;
Hai là, tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp; đặc biệt chú ý các sản phẩm cơ khí trọng điểm có tiềm năng phát triển; nghiên cứu, ban hành các quy định đấu thầu.
Ba là, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 3D... đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, sáng tạo.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại thu hút đầu tư nước ngoài, tìm kiếm cơ hội kết nối kinh doanh... nhằm tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước và thế giới; chống gian lận thương mại, buôn lậu, nhập khẩu phế liệu.
Năm là, cần xây dựng phát triển hệ thống quản lý, phát triển chương trình giáo dục đào tạo kỹ năng nghề cơ khí.
Sáu là, xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh nhằm phát triển đội ngũ có tầm nhìn, có bản lĩnh, khát vọng Việt Nam trên thương trường.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, như: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phát triển ngành cơ khí và xây dựng các nghị quyết, ban hành các hướng dẫn trong công tác đấu thầu, chính sách thuế, vốn…