Hút thuốc lá ảnh hưởng đến da như thế nào?
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:55, 25/09/2019
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc, trong đó có 70 chất gây nghiện và gây ung thư, như: Nicotine, khí CO, hắc ín, các phân tử nhỏ… Khi hút thuốc, các chất này đi trực tiếp vào cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt, hút thuốc sẽ gây ung thư phổi, miệng, thanh quản, thận, dạ dày... Hằng năm, trên thế giới có hơn 90% tổng số người mắc bệnh ung thư phổi và 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là người hút thuốc lá. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%.
Hút thuốc thụ động là nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi đối với trẻ em, khiến các em gánh chịu nhiều hậu quả về sức khỏe khi trưởng thành. Ước tính, mỗi năm trên toàn cầu có đến 165.000 trẻ em thiệt mạng trước 5 tuổi do hút thuốc thụ động.
Hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến làn da mà không phải ai cũng biết. Theo Ths.BS Đặng Bích Diệp, người hút thuốc dễ mắc các bệnh về da sau:
1. Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là tình trạng da có các mảng ngứa, vảy đỏ. Thông thường, bệnh xuất phát từ tình trạng căng thẳng, nhưng hút thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ.
Mối liên hệ giữa bệnh này và hút thuốc có thể là chất nicotine trong thuốc lá. Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, viêm da và tăng trưởng tế bào sừng, góp phần vào sự phát triển của bệnh vảy nến.
2. Viêm tuyến mồ hôi mủ
Viêm tuyến mồ hôi mủ thường xảy ra ở vùng da như nách, bẹn, dưới ngực. Tổn thương là các nốt sần giống như nhọt, chảy mủ. Tổn thương đau và có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đối với viêm tuyến mồ hôi mủ.
3. Viêm mạch máu
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh Buerger, một dạng viêm mạch máu ở chân và tay. Các mạch máu ở những khu vực này bị tắc nghẽn, dẫn đến đau và tổn thương mô. Các trường hợp nặng của bệnh Buerger có thể dẫn đến loét da ngón tay, chân.
4. Khó lành vết thương
Co thắt mạch máu do độc tố trong khói thuốc lá có tác động tiêu cực đến việc chữa lành vết thương. Thiếu lưu lượng máu làm chậm khả năng tự chữa của cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, thậm chí yêu cầu bệnh nhân dừng hút thuốc trước khi tiến hành phẫu thuật vì tác động của độc tố thuốc lá đối với việc chữa bệnh.
Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, chết mô và hình thành cục máu đông. Sẹo cũng có xu hướng tăng hơn khi hút thuốc. Chưa kể, thút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị rạn da.
5. Lão hóa da
“Đường kẻ khói” là những nếp nhăn dọc quanh miệng xuất phát từ việc mím môi để hút thuốc. Vết chân chim là nếp nhăn phổ biến phát triển ở rìa ngoài của mắt. Đối với những người hút thuốc, dấu hiệu này thường bắt đầu sớm hơn nhiều so với những người không hút thuốc.
Một số chất độc trong khói thuốc lá làm tổn thương collagen và elastin, là những thành phần giúp cho da săn chắc và đàn hồi, dẫn đến lão hóa da sớm. Co thắt mạch máu do hút thuốc cũng góp phần lão hóa da sớm. Các mạch máu bị co thắt hạn chế lưu lượng máu và oxy đến các tế bào da, thúc đẩy quá trình lão hóa da.
Tổn thương da liên quan đến hút thuốc còn có thể khiến da ở các bộ phận khác của cơ thể chảy xệ. Đặc biệt, da ngực và cánh tay thường bị ảnh hưởng bởi mất độ đàn hồi của da do hút thuốc.
6. “Nhuộm” màu da
Màu da của người hút thuốc có thể không đồng đều và xỉn, có xu hướng màu cam hoặc xám. Một trong những nguyên nhân là do thiếu oxy cho các tế bào da, cùng với các tác động tiêu cực của nhiều hóa chất khác trong thuốc lá.
7. Ung thư da
Đáng chú ý, với người hút thuốc, khả năng bị ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) có thể cao hơn tới 50% so với người không hút thuốc. SCC là dạng ung thư da phổ biến thứ hai.
Chuyên gia của Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy gia tăng với người hút thuốc do hệ thống miễn dịch bị giảm bởi chất độc trong khói thuốc lá.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, những ai hút thuốc hãy bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Với người chưa hút thuốc, đặc biệt là các bạn trẻ, không nên hút thuốc dưới bất cứ hình thức nào.