Kinh tế Thái Lan trước nhiều lực cản
Thế giới - Ngày đăng : 07:00, 25/09/2019
Theo số liệu của Văn phòng Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan, tăng trưởng quý II-2019 của nước này chỉ đạt 2,3%, thấp hơn so với tỷ lệ 2,9% của quý I. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý III-2014 tại nước này. Nguyên nhân chính được cho là xuất khẩu suy giảm, nhu cầu nội địa đi xuống, ngành Nông nghiệp gặp khó khăn và những tác động tiêu cực từ cuộc tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, Bộ Tài chính nước này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 từ 3,8% xuống 3,3% và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu xuống mức 8%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu không có biện pháp kịp thời, tăng trưởng của Thái Lan có thể chỉ đạt 3% trong năm nay.
Trong một tháng qua, nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đã được đưa ra, đặc biệt là gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ USD tập trung vào 3 nhóm biện pháp chính: Trợ cấp thêm cho những người có thu nhập thấp và người cao tuổi; giãn nợ với những nông dân bị thiệt hại bởi hạn hán; các nỗ lực giảm nhẹ tác động của sự giảm tốc kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế Thái Lan.
Ngoài ra, để phát triển Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) trong tài khóa 2020, Chính phủ Thái Lan đã quyết định phân bổ hơn 560 triệu USD để đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này, nhất là trong lĩnh vực vận tải. Một phần của nguồn ngân sách trên sẽ được giải ngân cho dự án đường sắt cao tốc. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng được phân bổ một khoản tài chính đáng kể nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho khu vực EEC với nhu cầu ước tính khoảng 450.000 lao động tay nghề cao.
Trong khi đó, Ủy ban Đầu tư Thái Lan đã thông qua một số chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư với tên gọi “Thailand Plus”. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài tới kinh doanh tại xứ Chùa Vàng sẽ được giảm thêm 50% thuế thu nhập trong 5 năm. Chính phủ cũng tăng gấp đôi mức chiết khấu đối với các chi phí dành cho đào tạo và miễn thuế doanh nghiệp trong vòng 5 năm khi thành lập các cơ sở phát triển kỹ năng.
Giới chức Thái Lan đang kỳ vọng vào sự tăng tốc của ngành Du lịch sau khi thực hiện chính sách miễn phí thị thực cho công dân 19 quốc gia đến tháng 4-2020. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, đồng baht đã không ngừng tăng giá so với USD và cao hơn 6% so với thời điểm cuối năm 2018, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở khu vực châu Á. Việc này đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp không khói vốn được coi là một trong những chìa khóa cho sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Thái Lan. Theo các chuyên gia, đồng baht mạnh lên sẽ khiến chi tiêu tại xứ Chùa Vàng trở nên đắt đỏ với du khách nước ngoài. Yếu tố này sẽ làm giảm tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của du lịch Thái Lan so với các quốc gia khác.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob còn lo ngại sự tăng giá của đồng nội tệ sẽ là đòn giáng mạnh vào các nhà xuất khẩu nước này. Theo tính toán, linh kiện điện tử nằm trong số những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Chỉ số SET Electronic Components Index, một thước đo giá cổ phiếu của các công ty xuất khẩu linh kiện điện tử Thái Lan, đã giảm 23% trong năm nay.
Vì vậy, cho dù đã tiến hành nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng “mạnh tay” cùng những gói kích thích kinh tế giá trị cao, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á vẫn đứng trước nhiều lực cản khi những động lực để phục hồi đà phát triển tại Thái Lan vẫn yếu ớt giữa lúc kinh tế toàn cầu tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro đáng lo ngại.