Cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông VNPT và MobiFone: Đang ở chặng nào?
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:18, 25/09/2019
Tại Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 15-8-2019) phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 nêu rõ: Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ cổ phần hóa theo hình thức Nhà nước nắm giữ tỷ lệ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Trước đó, từ năm 2005-2006, Chính phủ cũng yêu cầu cổ phần hóa MobiFone, Công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone, tuy nhiên vì nhiều lý do quá trình cổ phần hóa chưa triển khai được.
Trong Quyết định 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 29-12-2017) phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018-2020 cũng yêu cầu cổ phần hóa Công ty mẹ - VNPT bảo đảm hoàn thành cổ phần hóa tập đoàn trong năm 2019. Lý giải về việc chậm trễ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, do tập đoàn có hệ thống tài sản rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố nên việc kiểm kê và sắp xếp phương án sử dụng đất mất nhiều thời gian. Trong số hơn 4.000 cơ sở nhà đất hiện có, tập đoàn mới thực hiện được 95% khối lượng công việc. Phương án sử dụng đất là cơ sở để xác định giá trị doanh nghiệp, vì chưa hoàn thành nên VNPT chưa có quyết định phê duyệt cổ phần hóa.
Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, hiện các đơn vị của VNPT đã cơ bản hoàn thành việc kiểm kê, phân loại tài sản, đối chiếu công nợ... VNPT đang chuẩn bị hồ sơ thầu về tư vấn cổ phần hóa để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, sau đó tiến hành các thủ tục theo trình tự.
Mặc dù gặp khó khăn, nhưng việc chuẩn bị cổ phần hóa doanh nghiệp cũng được MobiFone chú trọng. Hiện, MobiFone đã kiểm kê, phân loại tài sản tại hơn 1/2 trong tổng số đơn vị và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. MobiFone cũng sẽ chọn doanh nghiệp tư vấn hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu chọn nhà tư vấn trong quá trình cổ phần hóa…
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn. Trong đó, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, để tháo gỡ khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn...
Trước cơ hội từ cổ phần hóa của những doanh nghiệp lớn, nhiều nhà đầu tư tỏ ra rất quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Ở mảng viễn thông, kể từ năm 2005, sau khi Bộ Bưu chính - Viễn thông (tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay) phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa MobiFone, nhiều hãng viễn thông và các định chế tài chính lớn trên thế giới đã tới Việt Nam làm việc, tỏ ý muốn trở thành nhà tư vấn trong quá trình cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược với doanh nghiệp…
Nhận định về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông, Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, việc cổ phần hóa thu hút đối tác chiến lược có năng lực, công nghệ, đặc biệt có mô hình quản trị tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh phát triển hơn. Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Mai Liêm Trực cũng nêu quan điểm, để thị trường viễn thông cạnh tranh thực sự, chỉ nên duy trì Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và cần đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị còn lại, kể cả VNPT.
Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cả VNPT và MobiFone đều có tiềm lực mạnh về nhân lực, công nghệ, hạ tầng mạng lưới. Trong đó, VNPT có lợi thế rất lớn, vì có bề dày hoạt động và phát triển. Còn MobiFone, dù đang gặp thách thức lớn, nhưng cơ hội vẫn rõ nét vì sở hữu tài nguyên tần số, hệ thống hạ tầng mạng lưới mạnh và đội ngũ nhân lực giỏi... Do vậy, dù doanh thu, lợi nhuận giảm, nhưng đó không phải là bản chất. “Tôi cho rằng cổ phần hóa sẽ giúp MobiFone có thể hồi phục nhanh chóng. Nhưng, cũng cần tính toán khi định giá để không bị mất giá trị của một thương hiệu lớn này” - ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.