Tiếp đà mùa vàng bội thu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 26/09/2019
Thực tế ở các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín… đã chỉ ra những nhân tố giúp vụ mùa năm nay bội thu. Có thể kể đến việc xuống giống tập trung;chủ động lựa chọn, sử dụng giống chất lượng cao; chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất… Đặc biệt, việc tuân thủ nghiêm ngặt cấy lúa trong khung thời vụ phù hợp nhất đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao năng suất lúa vụ mùa.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo, định hướng hướng dẫn người dân tập trung xuống giống khi đất đủ độ ẩm, tránh thời tiết nắng nóng gay gắt. Đồng thời, Sở còn khuyến cáo các địa phương sử dụng cơ cấu giống lúa chủ lực chủ yếu là ngắn ngày, chất lượng cao như: Thiên ưu 8, Kim cương 111, TBR36, TBR45, TBR225, BT7, HDT10, J02...
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao năng suất lúa, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa rà soát chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao triển khai trên địa bàn thành phố. Theo đó, thông qua chương trình này, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô không ngừng được mở rộng. Do đó, để có nhiều mùa vàng bội thu cả về sản lượng và chất lượng, cần có nhiều biện pháp tổng hòa, cho cả trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, để “gối đầu” sang vụ đông đạt thắng lợi mới, các sở, ngành và bản thân bà con nông dân cần tránh tâm lý lơ là, chủ quan, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp ngay từ thời điểm giao mùa.
Điều quan trọng nhất là ngành Nông nghiệp Hà Nội phải thực hiện triệt để các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; chủ động, sáng tạo áp dụng vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội. Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn trong việc bố trí cơ cấu giống cây trồng. Trong đó đặc biệt chú ý đến thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia khi đơn vị này dự báo nhiệt độ bình quân vào nửa đầu mùa đông 2019 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần tiếp tục hướng dẫn nông dân cách sử dụng các loại phân bón, hóa chất. Đồng thời, có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời về diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh và cách xử trí phù hợp với cây lúa tại từng thời điểm cụ thể.
Với người nông dân, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch. Ngoài ra, cùng với việc tiếp nhận từ các kênh tuyên truyền khuyến nông của chính quyền và các hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bà con nên tự trang bị thông tin, kiến thức mới về kỹ thuật trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, học hỏi những mô hình hiệu quả, phù hợp của nông dân ở các địa phương khác…
Một giải pháp khác cũng cần được chú trọng, không chỉ trước mắt mà còn mang tính trung hạn cho giai đoạn 2020-2021. Đó là khai thông “điểm nghẽn”, nới lỏng chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt. Các huyện phải tăng cường phối hợp với Sở NN&PTNT; Hội Nông dân cấp huyện, cấp thành phố; Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để nhà nông có thể tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Để không bỏ lỡ các tiền đề quan trọng đã tạo dựng được trong vụ xuân, vụ mùa vừa qua, nông dân Thủ đô cần sự chung tay, tiếp sức nhiều hơn nữa từ chính quyền địa phương và các sở, ngành… Khi nhận được sự vào cuộc tích cực, đồng bộ đó, những nỗ lực tự thân của bà con sẽ được bổ sung trợ lực, qua đó tiếp tục mang về mùa vàng trên những cánh đồng của vùng ngoại thành thành phố.