Tìm ra lục địa thứ tám bị "mất tích" của Trái đất nằm ngay dưới châu Âu
Công nghệ - Ngày đăng : 10:31, 26/09/2019
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một lục địa cổ bị ẩn giấu bên dưới Nam Âu trong khoảng 140 triệu năm qua. Vùng đất này rộng tương đương đảo Greenland và đã hình thành nên nhiều dãy núi của châu Âu khi nó bị chôn vùi.
Theo CNN, một nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) đã tìm thấy lục địa bị “thất lạc” khi nghiên cứu về địa chất khu vực Địa Trung Hải và cách thức hoạt động địa chất tiến triển theo thời gian. Nghiên cứu sự tiến hóa của các dãy núi cũng cho phép các chuyên gia theo dõi được sự tiến hóa của các lục địa.
“Hầu hết các dãy núi mà chúng tôi điều tra có nguồn gốc từ một lục địa duy nhất tách ra khỏi Bắc Phi hơn 200 triệu năm trước”, Douwe van Hinsbergen, đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Gondwana và là giáo sư về kiến tạo và bản đồ toàn cầu, cho biết.
“Phần duy nhất còn lại của lục địa này là một dải chạy từ Torino qua biển Adriatic đến phần "gót ủng" tạo thành nước Italia”.
Lục địa thứ tám của Trái đất, chưa từng được khám phá trước đây, đã được đặt tên là Greater Adria vì nó tọa lạc tại một khu vực địa chất có tên Adria.
Giáo sư Van Hinsbergen cho biết, hằng năm vô số người đã đến thăm Greater Adria mà không hay biết. “Hãy quên Đại Tây Dương đi. Không hề nhận ra nhưng một lượng lớn khách du lịch hằng năm đã đi nghỉ trên lục địa biến mất Greater Adria”.
Theo CBS News, nghiên cứu của Đại học Utrecht cho thấy rằng một số lượng lớn các dãy núi trong khu vực là kết quả trực tiếp của sự phân tách từ thời tiền sử của Greater Adria.
Trong cuộc "di cư" dưới nước của lục địa này, phần lớn đất đai đã bị gạt bỏ khi nó bị ép xuống dưới lớp phủ của Nam Âu. Chính phần đất đá bị gạt bỏ này sau đó đã hình thành các phần của dãy Alps, Apennines, Balkans, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xem video minh họa sự hình thành và 'mất tích' của lục địa Greater Adria (Nguồn: kênh Youtube của Giáo sư Douwe van Hinsbergen):
Do các mảng kiến tạo hoạt động ở Địa Trung Hải khác nhiều so với những nơi khác, nên nghiên cứu trên là một thách thức khá lớn. Ở một số nơi trên Trái đất, người ta đã tin rằng các mảng kiến tạo không biến dạng khi di chuyển cạnh nhau tại những nơi có đường đứt gãy đáng kể.
Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Địa Trung Hải, lý thuyết đó lại không thực sự đúng.
“Nó đơn giản là một mớ hỗn độn về địa chất. Tất cả mọi thứ đều bị bẻ cong, vỡ và xếp chồng lên nhau. Để so sánh, lấy ví dụ dãy Hymalaya chẳng hạn, dãy núi này đại diện cho một hệ thống khá đơn giản. Ở đó bạn có thể đi theo một số đường đứt gãy lớn trên một khoảng cách rộng hơn 2.000 km”, ông Hinsbergern giải thích. Vị Giáo sư tin rằng vùng Địa Trung Hải nằm trong số những khu vực địa chất phức tạp nhất trên thế giới.
Hinsbergen và nhóm của ông đã dành cả một thập kỷ để thu thập và phân tích các loại đá từng là thành phần của lục địa cổ đại. Các vành đai núi nơi những tảng đá thuộc lục địa Greater Adria được tìm thấy trải rộng trên khoảng 30 quốc gia khác nhau.
"Mỗi quốc gia trong số này đều tiến hành khảo sát địa chất riêng, bản đồ riêng và ý tưởng riêng về lịch sử tiến hóa. Thường thì các nghiên cứu chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia”, Giáo sư Hinsbergen nói về khó khăn của nghiên cứu.
Để tái tạo sự tiến hóa của các dãy núi, nhóm của Van Hinsbergen đã sử dụng phần mềm cho phép quan sát các mảng kiến tạo theo thời gian. “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp một lượng lớn những hiểu biết sâu, cũng như về núi lửa và động đất”, ông nói, “Bạn thậm chí có thể dự đoán, ở một mức độ nhất định, một khu vực nhất định sẽ trông như thế nào trong tương lai gần”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Greater Adria bắt đầu hình thành nên một lục địa độc lập từ khoảng 240 triệu năm trước.
“Qua việc lập bản đồ đã hiện ra một bức tranh về Greater Adria và một số khối lục địa nhỏ hơn, hiện là một phần của Romania, Bắc Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Armenia”, Giáo sư Van Hinsbergen nói.
Ông cho biết những tàn dư biến dạng của lớp vài kilomet trên cùng của lục địa Greater Adria vẫn có thể quan sát thấy ở các dãy núi ngày nay. “Phần còn lại của mảng lục địa dày khoảng 100 km đã lao xuống dưới lòng Nam Âu, đi vào lớp phủ của Trái đất, nơi chúng ta vẫn có thể theo dõi nó bằng sóng địa chấn với tới độ sâu 1.500 km”.
Van Hinsbergen đã mô tả các khối đá nằm rải rác do các đường đứt gãy giống như những mảnh vụn của một chiếc đĩa vỡ. Ông gọi nó là một trò chơi ghép hình - một trò chơi mà ông đã dành một thập kỷ để ghép các mảnh lại với nhau.