Hạ ngầm đường cáp điện lực, viễn thông tại Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 26/09/2019
Tiến độ còn chậm
Nhằm xóa “rác trời”, ngày 4-6-2016, UBND thành phố Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thực hiện hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, thành phố đã phê duyệt 4 đợt hạ ngầm với 177 tuyến phố (đợt 1 phê duyệt năm 2016 với 18 tuyến phố; đợt 2 và 3 năm 2017 với 103 tuyến; đợt 4 năm 2018 với 56 tuyến phố). Ngày 10-7-2019, UBND thành phố tiếp tục có Văn bản 2888/UBND-ĐT chấp thuận danh mục 76 tuyến phố để triển khai hạ ngầm đợt 5.
Ông Trịnh Văn Lý, chuyên viên Phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, nhìn chung các đơn vị đã thực hiện nghiêm chủ trương của thành phố, khẩn trương phối hợp triển khai thi công. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, qua 4 đợt, đến nay các doanh nghiệp điện lực, viễn thông hoàn thành cắt hạ dây cũ, hạ cột cũ 60 tuyến phố; 39 tuyến đã xây dựng xong hạ tầng, đang nghiệm thu và hạ ngầm...
Trong đó, đợt 1 (năm 2016) hoàn thành 17/18 tuyến (còn tuyến Thụy Khuê đang hoàn thiện cống bể, hạ ngầm). Đợt 2 và 3 hiện còn 14 tuyến chưa thi công hạ ngầm. Đợt 4 mới có 19/56 tuyến đã thống nhất biện pháp thi công chung điện lực, viễn thông.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay: Nhiều chủ đầu tư bố trí vốn còn chậm. Công tác thi công đặt ống ngầm dưới hè đường còn nhiều khó khăn do vướng các công trình ngầm, nổi; mặt bằng chật hẹp. Nhiều tuyến hệ thống chiếu sáng chưa được cải tạo, hạ ngầm nên chưa thể cắt hạ cột và hạ ngầm triệt để.
Ngoài ra, theo ông Hà Phú Thịnh, Phó Giám đốc VNPT Hà Nội, yêu cầu các đơn vị (điện lực, viễn thông, chiếu sáng) phối hợp lập biện pháp thi công chung, triển khai đồng bộ nhưng do doanh nghiệp thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau, có quy định về bố trí nguồn vốn, tổ chức đấu thầu... khác nhau, nên chỉ một đơn vị chậm nộp phương án, các đơn vị còn lại sẽ phải chờ.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương ngầm hóa đường cáp điện lực, viễn thông của thành phố cũng chưa thực sự tốt. Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Danh Duyên cho biết, nhiều nơi dân cư cản trở, gây khó khăn cho việc xây dựng hạ tầng, không cho đặt tủ điện hạ thế, hòm công tơ... Một số phường, địa bàn yêu cầu nhà đầu tư phải tổ chức, tham gia nhiều cuộc họp với các đơn vị, tổ dân phố... dẫn đến kéo dài thời gian thi công.
Theo ông Trịnh Văn Lý, địa bàn “vướng” và chậm hạ ngầm nhiều nhất là quận Hoàn Kiếm. Là quận trọng điểm về du lịch và buôn bán, địa bàn nhiều tuyến phố cổ chật hẹp nên để hạn chế ảnh hưởng tới người dân, UBND quận yêu cầu các đơn vị phối hợp lập biện pháp thi công chung.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Lý giải nguyên nhân việc hạ ngầm trên địa bàn còn chậm, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đặc điểm các tuyến phố trên địa bàn Hoàn Kiếm khá nhỏ hẹp nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện. Do vậy, gần đây các đơn vị đang xin phép đào đường vào ban ngày...
Theo ông Nguyễn Vũ Linh, để đẩy nhanh tiến độ, các đơn vị thi công cần sớm có ý kiến với UBND quận, UBND phường sở tại để phối hợp tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần thi công đồng bộ để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân. Về phía các chủ đầu tư nên thuê một đơn vị đào và hoàn trả hè, đường để bảo đảm đồng bộ trong quá trình thi công, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng hè đá cũ của quận.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thành phố đã thực hiện đơn giản, rút ngắn thời gian, thủ tục cấp phép bằng việc tập trung một đầu mối (Sở Giao thông Vận tải cấp phép cả đào đường, hè).
Thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo hạ ngầm, Tổ công tác giúp việc đại diện là các sở, ngành, các chủ đầu tư nhằm chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Hằng tháng, Ban Chỉ đạo, Tổ công tác định kỳ họp, kiểm điểm tình hình, tiến độ; lắng nghe và giải quyết các vướng mắc của chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình triển khai...
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, với một số vụ việc cụ thể, Sở đã có văn bản chỉ đạo chính quyền cấp quận và phường phối hợp với chủ đầu tư vận động nhân dân ủng hộ chủ trương của thành phố. Trong nhiều trường hợp, Sở Xây dựng còn mời các đơn vị liên quan cùng xuống hiện trường, thống nhất phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc...
Mặt khác, Sở cũng vừa có văn bản gửi EVN Hà Nội và các đơn vị viễn thông khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, đấu thầu và triển khai thi công theo quy định các tuyến hạ ngầm còn chậm; sớm nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng đối với 39 tuyến đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng; nhanh chóng hoàn thành thiết kế, biện pháp thi công chung đối với 37/56 tuyến đã phê duyệt đợt 4 còn lại, gửi Sở Xây dựng để phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, thống nhất.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tiếp tục có giải pháp gỡ khó những trường hợp có vướng mắc cho các chủ đầu tư. Để tiến độ triển khai hạ ngầm được thực hiện như kế hoạch, rất cần sự chung tay, ủng hộ của người dân tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thi công.