Thành lập thị xã Sa Pa và thị xã Kinh Môn
Chính trị - Ngày đăng : 17:04, 26/09/2019
Thành lập thị xã Sa Pa
Tại Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Sau khi thành lập, thị xã Sa Pa có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường: Cầu Mây, Hàm Rồng, Ô Quý Hồ, Phan Si Păng, Sa Pa, Sa Pả và 10 xã: Bản Hồ, Hoàng Liên, Liên Minh, Mường Bo, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Bình, Trung Chải. Tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 162 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 136 xã, 18 phường và 8 thị trấn.
Tòa án nhân dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai thành lập trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Sa Pa. Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai thành lập trên cơ sở kế thừa Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sa Pa.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn theo đúng Tờ trình số 140/TTr-CP ngày 18-4-2019 và Báo cáo số 332/BC-CP ngày 19-8-2019 của Chính phủ.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác và người lao động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh thị trấn Sa Pa, các xã: Bản Khoang, Bản Phùng, Hầu Thào, Lao Chải, Nậm Cang, Nậm Sài, Sa Pả, San Sả Hồ, Suối Thầu, Sử Pán, Tả Giàng Phìn, Thanh Kim, Thanh Phú và huyện Sa Pa phải hoàn thành việc đổi tên để hoạt động với tên gọi theo Nghị quyết kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Thành lập thị xã Kinh Môn
Tại Nghị quyết số 768/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị xã Kinh Môn và các phường, xã thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Sau khi thành lập, thị xã Kinh Môn có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường: An Lưu, An Phụ, An Sinh, Duy Tân, Hiến Thành, Hiệp An, Hiệp Sơn, Long Xuyên, Minh Tân, Phạm Thái, Phú Thứ, Tân Dân, Thái Thịnh, Thất Hùng và 9 xã: Bạch Đằng, Hiệp Hòa, Hoành Sơn, Lạc Long, Lê Ninh, Minh Hòa, Quang Thành, Thăng Long, Thượng Quận. Tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 262 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 207 xã, 45 phường và 10 thị trấn.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2019.
Tại Nghị quyết số 769/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập 4 phường Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An và Yên Thọ thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi thành lập, thị xã Đông Triều có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 10 phường. Tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 2 thị xã và 4 thành phố; 186 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 107 xã, 71 phường và 8 thị trấn.
Nghị quyết 769 có hiệu lực từ ngày 1-11-2019.